Lãnh đạo Đảng, Nhà nước sẽ ứng cử đại biểu Quốc hội ở địa phương nào?

ANTĐ -Trao đổi với báo chí chiều 26-4, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, các ứng cử viên ĐBQH khóa XIV là lãnh đạo Đảng, Nhà nước sẽ được phân bổ về ứng cử tại các địa phương một cách hợp lý.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, sau khi chốt danh sách 870 người chính thức ứng cử ĐBQH, số người này sẽ được phân theo 184 đơn vị bầu cử trong cả nước. Trong đó, 197 người ứng cử do Trung ương giới thiệu, đặc biệt là các lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, các Ủy viên Bộ Chính trị, các Bộ trưởng… sẽ được phân bổ đều về các địa phương, vùng miền.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã trả lời nhiều câu hỏi của báo chí chiều 26-4

Cụ thể, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ ứng cử ĐBQH khóa XIV tại TP Hà Nội. Chủ tịch nước Trần Đại Quang sẽ ứng cử ĐBQH tại TP.HCM. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ ứng cử ĐBQH tại TP Hải Phòng. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ ứng cử tại Cần Thơ. Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh sẽ ứng cử tại TP Đà Nẵng…

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc một số địa phương có đơn đề nghị lãnh đạo Nhà nước, các thành viên Chính phủ cụ thể về ứng cử ĐBQH tại địa phương mình, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, đề nghị của các địa phương như vậy là chuyện bình thường. Quốc hội các khóa trước cũng có việc này, nhất là các địa phương ở vùng sâu, vùng xa.

“Thực tế có những Bộ trưởng hay ngay Chủ tịch Quốc hội có tới 4 địa phương đề nghị xin về ứng cử tại địa phương, đây là mong muốn bình thường của địa phương. Tuy nhiên, việc phân bổ ra sao sẽ phải đảm bảo sự hài hòa, hợp lý, đúng cơ cấu vùng miền, địa phương” – ông Nguyễn Hạnh Phúc chia sẻ.

Cũng theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, các cơ quan thuộc Chính phủ tại nhiệm kỳ này chỉ có 15 người được giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XIV nên sẽ có nhiều Bộ trưởng không được giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XIV. Đơn cử, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến không được giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XIV. Dù vậy, không phải vì thế mà tiếng nói của bộ ngành không có người ứng cử ĐQBH sẽ giảm bởi trong ngành đó, ở các địa phương vẫn có nhiều người công tác trong ngành đó được giới thiệu ứng cử ĐBQH.