Lãnh đạo châu Âu cảm thấy “bị phản bội” bởi Hi Lạp

ANTĐ - Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, Jean-Claude Juncker cho biết, ông cảm thấy “bị phản bội" bởi “sự ích kỉ” của Hi Lạp trong cuộc thảo luận về vấn đề nợ công.

Trong một cuộc họp báo, ông Jean-Claude Juncker cho biết, các đề xuất về vấn đề nợ công của Hi Lạp đã bị làm “trì hoãn” hoặc “thay thế một cách có chủ đích” và người dân Hi Lạp nên được biết sự thật này, tuy nhiên, ông vẫn khẳng định, cánh cửa đối thoại luôn rộng mở.

Cách đây 1 tuần, Thủ tướng Hi Lạp Alexis Tsipras (trái) và Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, Jean-Claude Juncker vẫn còn âu yếu nhau

Ông Juncker tin rằng, việc Hi Lạp ra khởi Eurozone không phải là một lựa chọn và bản đề xuất mới đây của các chủ nợ mang tính công bằng rất cao. Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng nhắc lại những lời nhận xét này vào hôm 29-6, cho rằng Hi Lạp đã nhận được một lời đề nghị hết sức hào phóng và tuyên bố Đức sẵn sàng đàm phán thêm ngay cả sau khi trưng cầu dân ý ở Hi Lạp diễn ra vào ngày 5-7 tới.

Hi Lạp đã bất ngời tuyên bố tổ chức trưng cầu dân ý về vấn đề nợ công và đóng cửa các ngân hàng tư nhân một tuần tới sau khi không thể đạt được thoả thuận với các chủ nợ và ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) tuyên bố không hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp cho hệ thống ngân hàng Hi Lạp.

Hành động của Hi Lạp đã khiến thị trường chứng khoán London, Paris, Frankfurt và Milan sụt giảm mạnh vào phiên giao dịch hôm 29-6, kéo theo một xu hướng tương tự ở châu Á. Ngoài ra, đồng euro cũng đã mất đi 2% giá trị so với USD.

Cả nội các Pháp và Đức, 2 nước có nền kinh tế lớn nhất Eurozone, đều đã tổ chức các cuộc họp khẩn cấp, nhằm tìm cách đối phó với những diễn biến mới. Sau buổi toạ đàm, Tổng thống Pháp Francois Hollande khẳng định, một thoả thuận vẫn là có thể nếu Athens thực sự muốn vậy.