Lặng yên trong nguy hiểm

ANTĐ - Có lần, Huy, một người bạn của tôi bị tai nạn giao thông khi lái xe giữa đêm khuya. Chiếc xe đâm vào dải phân cách, lật ngửa giữa đường, cậu ấy mãi mới thoát được ra ngoài nhưng chân bị thương nặng, không đi nổi. Họa vô đơn chí, điện thoại di động cũng hết pin, không gọi cứu hộ được. 

Mình Huy chờ giữa con đường vắng vẻ trong mưa lạnh giá suốt 8 tiếng đồng hồ, cho tới khi trời sáng và có người tới giúp. Nghe Huy kể lại, chúng tôi hỏi làm sao một người bị thương có thể chịu được 8 giờ dài dằng dặc với nỗi sợ và sự cô đơn khủng khiếp ấy? Câu trả lời của Huy khiến tất cả ngạc nhiên: “Thì tớ kiểm tra quanh người, thấy không có vết thương nào nguy hiểm đến tính mạng, lại thấy cũng không có cách gì tự cứu được, thế là ngồi dựa vào xe ngủ một giấc, vừa đỡ sợ, lại tránh được việc làm máu ra nhiều hơn khi cố vận động một cách mù quáng”. 

Ngủ yên trong tình huống hiểm nguy! Tôi chợt nhớ đến một sự cố xảy ra năm ngoái. Một đoàn thám hiểm trẻ tuổi bị mất phương hướng trong hang tối mịt mùng. Nỗi sợ hãi mỗi lúc một dâng cao khiến họ chạy nháo nhác điên cuồng không mục đích trong đó, hậu quả là ngày càng dấn sâu vào bên trong, không thoát ra nổi. Tới khi lực lượng cứu hộ tìm được, đã có 3 người chết. Một nhân viên cứu hộ nói, điểm bị lạc đầu tiên của những người đó chỉ cách cửa hang chừng 10m, nếu như họ giữ được bình tĩnh đứng nguyên tại chỗ, thì hoàn toàn có thể cảm nhận được hướng ánh sáng lọt vào để thoát ra ngoài. 

Sự may mắn của Huy và kết cục bất hạnh của mấy nhà thám hiểm khiến tôi rút ra một điều: Trong cuộc sống hay công việc cũng vậy, sẽ có những lúc bạn rơi vào tình huống ngặt nghèo. Nhưng khi chưa tìm được lối thoát, đừng vùng vẫy một cách ngu ngốc, hãy lặng yên trong bóng tối để tìm được ra giải pháp tốt nhất.