Làng tỷ phú với nỗi lo “xóa sổ”

(ANTĐ) - Về Phụng Công, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên bây giờ, vẫn là màu xanh yên bình, những ngôi nhà cao tầng bạc tỷ. Trò chuyện với người dân, mới biết, bên trong đó, làng “tỷ phú ven đô” này cũng đang phập phồng nỗi lo cơm áo.

Làng tỷ phú với nỗi lo “xóa sổ”

(ANTĐ) - Về Phụng Công, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên bây giờ, vẫn là màu xanh yên bình, những ngôi nhà cao tầng bạc tỷ. Trò chuyện với người dân, mới biết, bên trong đó, làng “tỷ phú ven đô” này cũng đang phập phồng nỗi lo cơm áo.

Nằm khiêm tốn bên dòng sông Hồng, cách đầu cầu Chương Dương không xa, làng cây cảnh Phụng Công là nơi đã sản sinh ra những tỷ phú nông dân chân đất thực thụ. ở đây, những cây si, cây sung, cây lộc vừng… trải một màu xanh ngút mắt, những ngôi nhà cao tầng mọc lên ngày một nhiều, không thua kém những biệt thự cao cấp trên thành phố là mấy.

Trò chuyện với một gia đình đang mải miết bên “cánh đồng cây cảnh”, chúng tôi được biết: Sở dĩ Phụng Công được như ngày hôm nay là nhờ nghề trồng cây cảnh. Nghề này đã có từ lâu lắm rồi, nhưng mới đầu chỉ lác đác vài hộ trồng, mà cũng chỉ là cái nghề để sống, chứ không phải để làm giàu.

Khoảng những năm 2000, phong trào trồng cây cảnh bắt đầu nở rộ, Phụng Công gần như 100% số hộ chuyển sang trồng cây cảnh. Hộ nào trồng những cây mức trung bình, mỗi năm cũng có thu hàng trăm triệu, còn nếu chịu khó bỏ thời gian, công sức trồng cây thế thì thu bạc tỷ mỗi năm không phải là nói quá.

Thế nhưng, mới chuyển đổi cây trồng chưa được bao lâu thì năm 2004, người dân Phụng Công lại nghe tin Dự án Khu đô thị Thương mại và Du lịch Văn Giang đã được UBND tỉnh Hưng Yên phê duyệt, sẽ mọc lên giữa bãi đất màu mỡ của xã Phụng Công và hai xã liền kề là Xuân Quan và Cửu Cao. Thế là từ ấy làng cây cảnh Phụng Công đứng trước nỗi lo xóa sổ.

Tại vườn cây cảnh thế Minh Thủy, anh Minh chủ vườn chỉ những cây si, cây lộc vừng giá hàng trăm triệu đồng nuối tiếc: “Nếu theo quy hoạch của dự án, người ta sẽ lấy 100% diện tích đất ở cánh đồng này. Không biết rồi người dân Phụng Công sẽ sinh sống bằng nghề gì, chứ chưa nói đến chuyện làm giàu”.

Lo lắng của người dân Phụng Công không phải không có căn cứ. Bởi theo những người dân ở đây thì đã có không ít hộ nhận tiền đền bù vài trăm triệu, xây một ngôi nhà, mua chiếc xe máy là hết, rồi cũng không dám đầu tư để trồng tiếp, do vốn bỏ ra không phải ít, mà không biết người ta sẽ đến thu đất vào lúc nào.

Tin đồn xóa sổ làng cây cảnh Phụng Công lan ra nhiều tỉnh miền Bắc, thế là có nhiều chuyện cười ra nước mắt. Những năm 2005, 2006 có những thương gia ở Bắc Ninh và một vài tỉnh khác, nghe tin “Phụng Công giải phóng mặt bằng, cây cảnh vứt đầy đường”, lập tức đánh mấy ôtô về để “xin” cây cảnh. Đến nơi biết là tin sai phải quay về.

Ông Nguyễn Mạnh Dũng, chủ một nhà vườn cây cảnh ở thôn Bến, xã Phụng Công tâm sự: “Từ ngày cái dự án khu đô thị này rậm rịch, mức tiêu thụ cây cảnh của Phụng Công cũng bị chững lại, do nhiều khách hàng vin vào tin đồn làng cây cảnh Phụng Công sắp bị xóa sổ mà ép giá. Người ta bảo không bán thì mai kia cũng vứt đi”.

Còn nhớ cuối năm ngoái, chúng tôi về Phụng Công khi người dân ở đây đang bức xúc xung quanh chuyện giải phóng mặt bằng, được nghe những trăn trở của Chủ tịch Nguyễn Văn Tắng: “Khi Phụng Công chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bà con vui lắm chứ, quý tôi lắm chứ.

Giờ mọi chuyện lại thành ra phức tạp thế này…”. Lại nhớ câu hỏi buồn của một chuyên gia nông nghiệp: “Tại sao những khu công nghiệp, khu đô thị lại cứ phải rải xi măng lên những cánh đồng màu mỡ, trong khi chúng ta có rất nhiều đất trống, đồi núi trọc?”.

Hà Loan