Lãng tử như Cẩm

ANTĐ - Dưới mỗi bức tranh đều viết một chữ CẨM kèm theo mấy con số tháng, năm. Đó là Cẩm họa, Cẩm say, Cẩm điên,  Cẩm quan họ…

Tranh của Hoàng Hồng Cẩm

Trước khi về cùng cơ quan với Cẩm, tôi biết anh là họa sĩ trình bày cho tạp chí Âm nhạc, thỉnh thoảng minh họa cho Báo Văn Nghệ. Cẩm trình bày tạp chí khá hiện đại, có khi bỏ trống cả cột báo “cho thoáng mắt”. Tôi thấy hay hay nhưng chưa thật ổn. Riêng về các minh họa của anh khiến tôi đặc biệt chú ý, với nét vẽ run run và hình họa thường được bóp méo rất cá tính. Trong sáng tạo nghệ thuật, tôi thường chú ý đến những cá tính không bình thường như vậy.

Khi tôi về làm thư ký tòa soạn tạp chí Âm nhạc (1997) thì Cẩm đang thời gian nghỉ mấy tháng để sáng tác tranh, nhưng anh vẫn thường lui tới tòa soạn và ghé quán cóc ở ngõ bên cạnh uống chén “cuốc lủi” với giới văn nghệ “sân 51”. Khi đã ngà ngà rượu, Cẩm hồn nhiên hát lên những điệu quan họ cổ nghe nồng khê da diết lắm, cứ hệt như những liền anh hoài nhớ hội hè xưa. Sau này ngồi nhiều cuộc rượu với Cẩm, tôi thấy anh ngày càng say hát quan họ. Đôi khi Cẩm muốn hát mà bạn bè ồn ào, anh giương mục kỉnh lên nói khá kiêu “Có thích nghe hát không thì bảo?”. Thế là mọi người im, và Cẩm hát. Hát đến rã người ra, vẫn hát. Cứ ngỡ như Cẩm chưa hát được thì cuộc rượu chưa thành…

Cũng vì mê rượu, mê hát vậy, nên có lần Cẩm đã lỡ việc được giao. Đó là lần Cẩm lỡ hẹn lên market tạp chí. Trưa liên hoan ở cơ quan Hội, Cẩm bảo “Chiều em làm, xong ngay”. Nhưng rượu đã cuốn mất Cẩm. Và anh say, về tòa soạn nằm dài trên salon. Tôi phải ôm bản thảo và tranh ảnh về nhà làm thay Cẩm cho kịp đưa nhà in. Hôm sau, Cẩm bảo “Em đền anh rượu”. Cẩm là thế, quan trọng là vẽ, thế thôi.

Tranh Cẩm vẽ bày triển lãm chung, triển lãm cá nhân, bán được cho cả trong ngoài nước. Nhiều tờ báo khen Cẩm trong bộ ba họa sĩ tuổi Hợi (1959) như những tài năng mới. Có một nữ chủ nhân gallery ở Huế rất mê tranh Cẩm, và bày bán nhiều tranh của anh. Tôi lại rất ấn tượng về logo Hội Nhạc sĩ Việt Nam do Cẩm thiết kế, một logo ít nét, đẹp và mang tính biểu tượng cao, đó là hình 5 dòng kẻ dọc (của khung nhạc) uốn hình chữ S màu trắng đặt trên nền ô vuông màu nâu khiến người ta nghĩ ngay đến “âm nhạc Việt Nam”.

Có lần đến quán Rượu Hoa ngõ Cấm Chỉ, thấy Cẩm cùng Trịnh Tú căng toan vẽ. Tú vẽ tài hoa bay bổng. Cẩm vẽ ngộ nghĩnh mà buồn. Tôi chợt nhận ra hình và màu của Cẩm nghiêng về phía trẻ thơ, lại phảng phất những câu chuyện triết lý xa xăm. Những ngọn đèn dầu xưa thấp thoáng khôn nguôi trong nhiều bức tranh của Cẩm cùng với những con gà đất, tò he. Tuổi thơ như không ra khỏi Cẩm, nó mãi sống sinh động trong những bức tranh của anh.

Thật không tự nhiên mà có được một tài năng lãng tử như Cẩm. Anh là con trai lão họa sĩ Hoàng Lập Ngôn nổi tiếng với những cuộc du chơi xuyên Việt bất tận và một trường phái tranh được gọi là “tinh tướng họa”. Ông cụ thọ trên 90 tuổi, còn Cẩm thì già nhanh cho kịp bố. Chả thế mà có lần, một nhà báo nữ đến nhà tìm bố để phỏng vấn lại gặp Cẩm ngồi trước cửa, liền lễ phép hỏi “Thưa bác, anh Hoàng Lập Ngôn có nhà không ạ”.

Giờ thì Cẩm đã đi gặp bố ở cõi xa khi mới bước vào tuổi 53. “Bốn chín chưa qua, năm ba đã đến”, và Cẩm đã đến cõi. Ở nơi đó, chắc anh chỉ nói “Tôi là Cẩm” thì ai cũng biết anh là Hoàng Hồng Cẩm.