Lãng phí tràn lan do thiếu chế tài

ANTĐ - Chiều qua, 6-6, Quốc hội đã thảo luận ở tổ về dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) và dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Sáng cùng ngày, Quốc hội đã cho ý kiến vào dự thảo Luật Phòng, tránh giảm nhẹ thiên tai.

Đồng chí Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội khuyến cáo:
“Phải có chế tài nghiêm với người gây lãng phí”

Không khó phát hiện lãng phí

Góp ý kiến vào dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi), Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (Hà Nội) cho biết, nước ta nghèo nhưng lãng phí có mặt ở khắp nơi, từ sử dụng lương thực, thực phẩm tới tổ chức lễ hội, đất đai bỏ hoang, dự án treo... Khẳng định tiết kiệm phải giáo dục ngay từ lớp nhỏ, ĐB Thích Bảo Nghiêm nói: “Dự án đắp chiếu nằm đấy trong khi người dân không có đất canh tác. Lãnh đạo cứ lên chức lại thay xe, thay đồ trong phòng làm việc, rất lãng phí. Tôi ủng hộ cải cách triệt để lễ hội, nghi lễ tang ma, cưới xin, như hiện nay phí phạm quá. Đám tang cả trăm vòng hoa, đối trướng... Phải làm sao để tiết kiệm nhất, đúng với thuần phong mỹ tục của dân tộc ta”.

ĐB Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhìn nhận: “Tiết kiệm, chống lãng phí là vấn đề lớn, cấp bách và bức xúc hiện nay. Khó nói tham nhũng hay lãng phí gây thất thoát cho đất nước nhiều hơn”. Theo ĐB Phạm Quang Nghị, lãng phí không khó phát hiện. Có thể nhận diện từ lãng phí đất đai, trong xây dựng tới họp hành, lễ hội... Ông đặt vấn đề: “Tại sao ta nói nhiều mà hiệu quả không cao? Đó là do quy định ràng buộc trách nhiệm, chế tài rất thiếu. Ở các nước, những quy định này rất chặt chẽ, vượt quá là phải bỏ tiền túi ra bù. Hội nghị hầu như không có quà cáp, phong bao”. ĐB Phạm Quang Nghị nhớ lại: “Khi tôi là Bộ trưởng Bộ Văn hóa, tôi đã bỏ được thông lệ cứ mít tinh kỷ niệm là tặng quà. Về văn hóa, quà cũng không sang trọng, lịch sự, thậm chí người nhận về đôi khi cũng không dùng. Nhưng những việc đó thực hiện chưa được bao nhiêu và chưa thành quy chế. Nếu ai cũng có ý thức tiết kiệm từ những việc rất cụ thể như vậy thì ta làm được biết bao nhiêu việc có ích cho xã hội, chưa cần nói đến tiết kiệm xăng, xe...”.

Chưa hài lòng với dự thảo, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) dẫn chứng: “Dự luật chưa làm rõ vấn đề gây nhiều bức xúc trong xã hội hiện này là công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Có dự án 10 năm vẫn chưa xong GPMB gây  tổn hại đến người sử dụng đất mà trực tiếp là người dân thì chế tài không thấy có trong luật. Lãng phí về nguồn lực đất đai thời gian qua là không thể tính toán hết được”. Cùng quan điểm, ĐB Võ Thị Dung (TP Hồ Chí Minh) nói: “Tính khả thi vẫn chưa cao. Nhiều nội dung vẫn chỉ là khuyến khích, nói cách khác là kêu gọi, vận động, tuyên truyền chứ chưa ràng buộc, chế tài”. 

Chế tài phải nghiêm khắc

Nhấn mạnh phải “ràng buộc trách nhiệm của những người gây ra lãng phí”, ĐB Phạm Quang Nghị nói: “Nếu không cụ thể, rõ ràng thì khả năng khắc phục lãng phí sẽ không cao”. Ông đề nghị, dự luật nên điều chỉnh đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức sử dụng tài sản công và tiêu dùng cá nhân. ĐB Phạm Quang Nghị nói: “Tiền công là đóng góp thuế của nhân dân nên phải hết sức trân trọng. Một mặt làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền song phải có chế tài nghiêm với người gây lãng phí”.

ĐB Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, phải quy rõ trách nhiệm đầu tư để gây lãng phí chứ không thể chung chung. Ông nói: “Tôi nhất trí quan điểm trong Bộ Luật Hình sự cần có tội gây lãng phí. Tội lãng phí gây hại rất lớn cho xã hội. Công trình có khi hàng nghìn tỷ đồng mà bỏ hoang là rất nghiêm trọng”. ĐB Đỗ Văn Đương kiến nghị, mọi hành vi gây thất thoát, lãng phí, nhất là tài sản công thì phải xử lý kịp thời, thật nghiêm minh. Ông nhấn mạnh dự luật phải minh định chế tài xử lý và làm rõ trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra lãng phí. “Sếp mà lấy xe công đưa vợ về quê, đi chùa thì nói sao được cấp dưới. Phải kỷ luật nặng, nếu nghiêm trọng thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Chứ cứ diễn mãi cảnh sáng vác ô đi, tối vác ô về, gây lãng phí là không thể chấp nhận được...”.