Bóng đá Việt Nam và cầu thủ Việt kiều (2)

Lãng phí tài năng

ANTĐ - Dù rất thành công trong việc đưa Mạc Hồng Quân hay một số cầu thủ Việt kiều khác về thi đấu ĐTQG, song bản thân những người làm cầu nối như HLV Mai Đức Chung vẫn không khỏi tiếc nuối, trăn trở trước nguồn tài năng bóng đá gốc Việt đang bị lãng phí.

Lãng phí tài năng  ảnh 1
Mạc Hồng Quân và Michal Nguyễn chỉ là 2 trong số rất nhiều 
tài năng Việt kiều muốn cống hiến cho tuyển Việt Nam


“Mỏ” tài năng dồi dào

Thực tế hiện có rất nhiều cầu thủ gốc Việt đang thi đấu cho các đội bóng tên tuổi. Đa số đều có thể hình, thể lực tốt, lại được đào tạo ở môi trường chuyên nghiệp nên tiến bộ và trưởng thành về chuyên môn rất nhanh. Không ít người trở thành niềm tự hào người Việt sinh sống nước sở tại như Mạc Hồng Quân (CLB Sparta Praha ), Roy Hoàng (CLB Helsingborg), Kevin Phạm Ba (CLB Sochaux), Michel Lê (CLB Metz), Tristian Đỗ (CLB Lorient), Nguyễn Quốc Trung (CLB SC Bruhl), Uslan Tiến Quang (CLB Botev Vratsa)… Đáng nói hơn, rất nhiều trong số đó khát khao cống hiến cho bóng đá quê hương. Theo HLV Mai Đức Chung, đa phần cầu thủ và vui đình của họ khi tiếp xúc, đặt vấn đề về đá cho tuyển Việt Nam đều rất sung sướng tự hào. Họ cho việc cống hiến cho quê hương là một vinh dự. Ngoài ra, việc được gọi đá ĐTQG Việt Nam cũng giúp chính cầu thủ đó nâng tầm giá trị, được trọng dụng hơn khi quay lại đá cho CLB nước sở tại. 

Lãng phí không đáng có

Có một nghịch lý đang xuất hiện ở bóng đá Việt Nam, đó là việc các CLB V-League mỗi năm bỏ hàng trăm tỷ đồng chiêu mộ, mua sắm, trả lương cho các ngoại binh, trong khi lượng lớn cầu thủ Việt kiều có thể hình, năng lực chuyên môn không thua kém, rất muốn cống hiến lại bị bỏ qua một cách lãng phí. Chưa kể ở phương diện tiền bạc, V-League rõ ràng hấp dẫn hơn các giải hạng Nhì châu Âu mà nhiều cầu thủ Việt kiều đang thi đấu. Cụ thể, thu nhập hiện tại của một cầu thủ V-League trung bình khoảng 50 triệu đồng/tháng (ngoại bình là gấp đôi) trong khi theo tiết lộ Michal Nguyễn (đang chơi ở hạng Nhì CH Czech) thì tổng thu mỗi tháng chỉ khoảng 10 triệu đồng. Với mức sống châu Âu, rõ ràng thu nhập đó không đủ trang trải. Còn ở khía cạnh ĐTQG, trong khi nhiều quốc gia trong khu vực như Singapore, Philippines đã và đang kêu gọi tài năng kiều bào khắp thế giới, thậm chí chấp nhận nhập tịch cả những cầu thủ hoàn toàn không gốc gác bản địa để làm mạnh cho đội tuyển thì với bóng đá Việt Nam, nguồn cầu thủ Việt kiều vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

HLV Mai Đức Chung chia sẻ câu chuyện khiến ông trăn trở: “Chuyến đi Pháp vừa rồi tôi tình cờ gặp 2 cầu thủ gốc Việt, quê ngoại ở Ngọc Hà (Hà Nội). Họ là anh em ruột, cùng thi đấu cho một đội hạng Nhì của Pháp và có chuyên môn rất tốt . Khi nghe tôi kể về ĐTQG Việt Nam, họ chủ động ngỏ lời xin về thi đấu nhưng tôi lại không thể nhận lời”. Theo ông Chung, rào cản lớn nhất nằm ở khâu thủ tục, cụ thể là quốc tịch: “Nếu anh có quốc tịch Việt Nam rồi thì dù đang thi đấu cho CLB nào đi nữa, khi có triệu tập vẫn được phép về thi đấu. Đó là quy định toàn thế giới rồi. Nhưng nếu không có quốc tịch thì chịu”. “Nguồn cầu thủ việt kiều rất nhiều, nhưng nếu không thể tận dụng được quả là điều đáng tiếc, thiệt thòi cho bóng đá việt Nam”, ông Chung tâm sự.