Lãng phí nhiều, tiết kiệm ít

ANTĐ - Lãng phí, thất thoát trong đầu tư công năm 2012 vẫn là vấn đề nổi cộm gây bức xúc xã hội. Hiệu quả tái cơ cấu đầu tư chưa thấy đâu, chỉ thấy nhiều dự án, công trình phải giãn, hoãn, ngừng thi công do đầu tư dàn trải trong những năm trước, gây nên tình trạng nhiều công trình bỏ dở, nợ khối lượng xây dựng cao và lãng phí lớn. Tất cả các khâu từ lập dự án, phê duyệt và triển khai, khâu nào cũng có thể “ăn” được, tham nhũng được. Đó là nhận xét của một số Chủ nhiệm Ủy ban Quốc hội về báo cáo của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp vừa kết thúc.

Đánh giá về tình hình thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội đều có chung nhận xét là “quá chung chung”. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, tài sản công vẫn bị lãng phí lớn, gây ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Trong lĩnh vực quản lý ngân sách nhà nước, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, trong các kiến nghị thu hồi về cho ngân sách thì số thất thoát thu được chiếm bao nhiêu phần trăm và đã thu hồi thực tế được bao nhiêu? Báo cáo không làm rõ những con số này thì khó thuyết phục Quốc hội.

Trước phiên họp này, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội và Bộ Tài chính đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến đánh giá tình hình và đề xuất sửa đổi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, dự kiến sẽ trình Quốc hội kỳ họp tới đây. Tuy vậy, phần lớn các chuyên gia, luật gia, nhà quản lý đều có chung câu hỏi: “Có thực sự cần thiết sửa đổi Luật?”. Các ý kiến tham luận chỉ ra một nghịch lý là, kể từ khi Luật này có hiệu lực tới nay đã 7 năm, nhưng tình trạng lãng phí trong chi tiêu ngân sách, sử dụng vốn tại doanh nghiệp nhà nước, đầu tư bằng vốn nhà nước… chẳng những không giảm mà còn có chiều hướng “năm sau tăng hơn năm trước”. Đơn cử chi sai chế độ trong việc chi tiêu từ ngân sách nhà nước, theo số liệu do kiểm toán nhà nước công bố và đề nghị thu hồi liên tục tăng từ năm 2005 đến nay. Tình trạng thất thoát vốn nhà nước tại các tập đoàn và tổng công ty nhà nước; đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, lãng phí tài nguyên, đất đai… ngày càng nghiêm trọng.

Theo báo cáo của một số bộ, ngành, địa phương từ năm 2008 đến 2012, số tiền tiết kiệm được qua việc mua sắm tài sản công chỉ được 467 tỷ đồng. Ngay cả “phong trào” tiết kiệm rầm rộ của các tập đoàn kinh tế, thì trong 6 tháng đầu năm 2012, tổng chi phí đã tiết kiệm được chỉ đạt 1/3 so với số đã đăng ký. Theo đánh giá của một số luật gia, luật này có tới 40 điều khoản quy định trực tiếp từ bồi thường thiệt hại do lãng phí, xử phạt, kỷ luật, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự do vi phạm. Vậy mà, trong suốt 7 năm qua chưa có trường hợp nào bị kỷ luật, xử phạt vì gây lãng phí. Hiện có hai luồng ý kiến, một bên cho rằng không cần phải sửa đổi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; một bên nói “không”. Song cả hai đều nhấn mạnh, đối tượng gây ra lãng phí phải bị xử lý kỷ luật, xử phạt hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự lại là cán bộ có chức, quyền. Không có ai tự ký quyết định kỷ luật chính mình. Đó là nguyên nhân cơ bản, quan trọng nhất khiến lãng phí nhiều và lớn, tiết kiệm thì ít và nhỏ.