Lãng phí nguy hiểm hơn cả tham nhũng

ANTĐ - Hôm qua, 4-11, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi). Nhiều ĐBQH so sánh sự nguy hiểm của lãng phí có khi còn lớn hơn cả tham nhũng.

ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) “Ai phải chịu trách nhiệm cho tình trạng nhiều dự án bất động sản 
phơi nắng, phơi mưa đang diễn ra ở nhiều địa phương?”

Công khai địa chỉ lãng phí

Phản ánh “thất thoát lớn trong xây dựng cơ sở hạ tầng, đường cứ làm xong lại đào lên, lấp xuống liên tục”, ĐB Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) bức xúc: “Ngành này dẫm đạp lên ngành kia gây thất thoát ngân sách nhưng chưa có ai làm trọng tài để xử lý...”. Đánh giá nạn công chức sáng cắp ô đi tối cắp về là vô cùng lãng phí, ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) kiến nghị: “Luật cũng nên đặt vấn đề công bố công khai các cơ quan, tổ chức gây thất thoát lãng phí để nhân dân biết và ngăn chặn”.

ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) nói: “Chưa chắc lãng phí đã thua tham nhũng về mức độ nguy hiểm. Thử so sánh một người tham nhũng 1 tỷ đồng với một người ra quyết định làm lãng phí 50-70 tỷ đồng thì ai sẽ là người gây thiệt hại cho dân, cho nước nhiều hơn?” ĐB Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) phản ánh: “Hành vi làm thất thoát lãng phí ít bị xử lý và hầu như không có ai bị truy cứu trách nhiệm hình sự mặc dù ai cũng biết thất thoát lãng phí gây hậu quả còn nặng nề hơn tham nhũng”. 

Khẳng định thực hành tiết kiệm phải là quốc sách, ĐB Trương Thái Hiền (Kiên Giang) cho rằng, “của công hay của cá nhân, của doanh nghiệp cũng đều xuất phát từ cội nguồn tài nguyên khoáng sản của đất nước, từ mồ hôi nước mắt của người lao động”. Ông cũng cảnh báo “rừng vàng biển bạc”, đất đai phì nhiêu... đang cạn kiệt bởi tốc độ khai thác, tận thu như vũ bão hiện nay. “Vài thập kỷ nữa, chúng ta sẽ có tội với con cháu và phải gánh chịu những lời phiền trách của hậu thế nếu như không biết tiết kiệm, tích lũy để dành của cải, phung phí, xa hoa” - ĐB Trương Thái Hiền nói. ĐB tỉnh Kiên Giang cũng kêu gọi “rà soát, sắp xếp và bố trí lại bộ máy Nhà nước từ trung ương đến cơ sở, tinh giản biên chế để giảm gánh nặng ngân sách Nhà nước” bởi đây cũng là thực hành tiết kiệm chống lãng phí.

Chế tài còn chung chung

Chưa hài lòng với chế tài xử lý đối với đối tượng gây lãng phí, nhiều ĐBQH cho rằng, dự thảo còn chung chung và không rõ ràng. Xoáy sâu vào vấn đề trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, ĐB Lù Thị Lừu - Lào Cai cho rằng, khi nhận được phản ánh về các hành vi lãng phí, người đứng đầu phải chỉ đạo, kiểm tra, xem xét để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời và trả lời bằng văn bản cho người phát hiện. Cần quy định rõ thời hạn phải trả lời để tránh trường hợp cố tình kéo dài thời gian, quên hoặc cố tình quên.

ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) băn khoăn vì “việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chỉ mới chạm tới phần ngọn mà bỏ qua cái gốc”. ĐB dẫn chứng: “Ban hành chính sách không phù hợp, quyết định thiếu chính xác dẫn đến lãng phí hàng nghìn tỷ đồng mà người ra quyết định cùng lắm chỉ bị phê bình, khiển trách. Hậu quả thấy rất rõ nhưng cuối cùng không ai phải chịu trách nhiệm. Đây mới là một sự lãng phí vô cùng tận”. Để tránh tình trạng “cơ quan này lại đổ lỗi cho cơ quan kia” hoặc có người “cho là lỗ hổng của hệ thống”, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy quyết liệt: “Phải tìm lỗ hổng của cơ chế để bít lại. Cần xác định trách nhiệm cá nhân rõ ràng đối với người có thẩm quyền ra quyết định Đây là việc phải làm và cần làm triệt để, quyết không đánh trống bỏ dùi. 

ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) đồng tình: “Ai phải chịu trách nhiệm cho tình trạng đầu tư dàn trải, hiệu quả thấp, nhiều công trình xây dựng dở dang không thể đưa vào sử dụng, nhiều dự án bất động sản phơi nắng, phơi mưa đang diễn ra ở nhiều địa phương? Rất cần quy định chặt chẽ về trách nhiệm đối với người phụ trách, người đứng đầu của từng mắt xích công việc và đòi hỏi những người này khi quyết định đầu tư, sử dụng ngân sách Nhà nước phải thực sự công tâm không vì lợi ích nhóm hoặc tư lợi cá nhân.”