Làng nghề: Phải luôn đổi mới để phát triển

ANTĐ - “Mở hàng” đi cơ sở đầu năm mới Giáp Ngọ 2014, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã tới Làng lụa Vạn Phúc (phường Vạn Phúc, quận Hà Đông).

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị thăm xưởng dệt của gia đình nghệ nhân Triệu Văn Mão

Làng Vạn Phúc xưa có tên là Vạn Bảo - một làng Việt cổ có nghề dệt lụa nổi tiếng, đến nay có bề dày truyền thống hơn 1.000 năm. Những năm gần đây, Vạn Phúc được định hướng phát triển theo hướng làng nghề kết hợp với du lịch văn hóa. Chỉ từ năm 2009 đến 2013, đã có gần 8.540 đoàn, với hơn 65.180 lượt khách quốc tế và hơn 350.000 lượt khách trong nước đến tham quan, trao đổi, mua bán sản phẩm làng nghề. Sản lượng lụa các loại hàng năm trung bình đạt 1,5 triệu mét; doanh thu thương mại, dịch vụ bình quân trên 65 tỷ đồng. 

Hiện nay, trên địa bàn phường có trên 300 cơ sở, doanh nghiệp, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh sản phẩm làng nghề, với gần 250 máy dệt và trên 150 cửa hàng kinh doanh sản phẩm và dịch vụ thương mại. Theo Bí thư Quận ủy Hà Đông Phạm Khắc Tuấn, làng lụa đang đặt mục tiêu đạt sản lượng 2-2,5 triệu mét lụa/năm, đồng thời, hàng năm, làng nghề sẽ đón từ 10 nghìn lượt khách quốc tế và 70-80 nghìn lượt khách nội địa đến tham quan...

Sau khi tới thăm xưởng dệt của một số gia đình nghệ nhân, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã có cuộc làm việc với quận Hà Đông. Những ý kiến chỉ đạo Bí thư Thành ủy đã nêu thực ra không chỉ áp dụng cho Vạn Phúc mà cho tất cả các làng nghề trên địa bàn Hà Nội.

Trước hết, Bí thư Thành ủy yêu cầu rà soát lại quy hoạch tổng thể của làng nghề, từ đất đai, giao thông, bảo vệ môi trường nên bổ sung, chỉnh sửa như thế nào cho phù hợp thực tế. Tiếp đến, Bí thư Thành ủy cho rằng, phải đặc biệt quan tâm tới nghiên cứu thị trường,  để các hoạt động sản xuất, kinh doanh tại làng nghề đảm bảo giá trị kinh tế cao, đem lại thu nhập tốt cho người dân. Trong giai đoạn hiện nay, làng nghề không chỉ chạy theo số lượng mà phải ưu tiên chất lượng. Bí thư Thành ủy nêu thực tế: “Có người sẵn sàng bỏ hàng nghìn USD để mua khăn lụa, cà vạt hàng hiệu, trong khi cầm cái khăn lụa sản xuất trong nước chỉ vài trăm nghìn đồng lại chê. Lại có người khoe mua được cà vạt sản xuất trong nước, rẻ nhưng dùng rất thích, song số này còn hiếm quá. Chúng ta cần làm rõ vì sao lại như vậy”. 

Trực tiếp gợi ý các sản phẩm của làng nghề như khăn lụa, cà vạt, áo dài, phải “thật tinh tế, thật chất lượng”, Bí thư Thành ủy cho rằng, cần mời các chuyên gia, nhà tạo mẫu hàng đầu tới để tạo ra sự đột biến trong thiết kế. Bí thư Thành ủy nói: “Phải là xu hướng thời trang mới nhất chứ cũ rồi, hàng sản xuất ra sẽ bị ế. Ngay cả khi có mẫu mới rồi, cũng đừng nghĩ sẽ làm mãi. Cần liên tục cải tiến mẫu mã, dự báo, cập nhật những gì mới nhất thì mới nâng cao được sức cạnh tranh trên thị trường”. Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, phải “luôn đổi mới, luôn cải tiến thì sức sống của làng nghề mới mạnh mẽ được”, giờ làng nghề vẫn sống nhưng chỉ lay lắt, không sao tiến lên được.

Khuyên các nhà quản lý, doanh nghiệp phải hết sức chú trọng tới khâu đào tạo, truyền nghề, Bí thư Thành ủy cho rằng, cần tạo điều kiện để các nhà thiết kế trẻ trong làng nghề đi đó đây, học hỏi, mở rộng tầm nhìn bởi nếu chỉ cặm cụi với những mẫu cũ thì không thể phát triển được.

Cùng ngày, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã tới thăm và dâng hương tại Nhà lưu niệm nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến tại làng nghề Vạn Phúc. Bí thư Thành ủy đề nghị đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị dự án đầu tư trùng tu, mở rộng nhà lưu niệm. Yêu cầu đặt ra là đến năm 2016 phải hoàn thành công trình. Bí thư Thành ủy nhắc nhở, quá trình trùng tu phải hết sức coi trọng việc bảo tồn nguyên trạng, lưu giữ, sưu tầm, bổ sung các yếu tố gốc...