Làng nghề… “ngủ quên”

(ANTĐ) - Sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, với một vùng đất truyền thống lịch sử, văn hóa, trong đó có  tới 244 làng nghề cổ truyền với bề dày lịch sử hàng trăm năm mà hiếm có địa phương nào trên cả nước sánh được. Hoạt động làng nghề sẽ có sức sống, sức lan tỏa mạnh, không chỉ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, mà còn giúp nông dân làm giàu, nhất là phát triển du lịch làng nghề. Điều cốt yếu là làng nghề vẫn đang “ngủ quên”, chưa được đánh thức tiềm năng.

Làng nghề… “ngủ quên”

(ANTĐ) - Sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, với một vùng đất truyền thống lịch sử, văn hóa, trong đó có  tới 244 làng nghề cổ truyền với bề dày lịch sử hàng trăm năm mà hiếm có địa phương nào trên cả nước sánh được. Hoạt động làng nghề sẽ có sức sống, sức lan tỏa mạnh, không chỉ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, mà còn giúp nông dân làm giàu, nhất là phát triển du lịch làng nghề. Điều cốt yếu là làng nghề vẫn đang “ngủ quên”, chưa được đánh thức tiềm năng.

Hàng trăm làng nghề Hà Nội chưa được chăm chút đầu tư đồng bộ, chuyên sâu và chuyên nghiệp. Du lịch làng nghề, bởi thế còn rất manh mún, được chăng hay chớ theo kiểu tự phát. Năm 2010, Hà Nội đăng cai Năm du lịch Quốc gia với chủ đề “Thăng Long - Hà Nội, nghìn năm hội tụ”. Mảnh đất nghìn năm văn hiến không chỉ là nơi “lắng hồn núi sông” mà còn là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa, tinh hoa lao động sáng tạo làm nên những giá trị dân tộc vô giá. Làng nghề chính là cái nôi sản sinh, nuôi dưỡng những di sản vật thể và phi vật thể không chỉ của riêng Hà Nội mà còn của cả nước. Gốm sứ, đồ gỗ mỹ nghệ, khảm trai, đúc đồng, dệt lụa, trồng dâu nuôi tằm, làm tương, đậu phụ, tráng bánh đa, làm giấy, mây tre đan… đều là những “đặc sản” của Hà Nội cần phải nâng niu, giữ gìn.

Không nên quên rằng, ở Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước láng giềng, Nhà nước rất quan tâm đầu tư nâng đỡ và hỗ trợ các làng nghề truyền thống. Đây chính là bản sắc văn hóa, tinh thần độc đáo của một vùng đất, một miền quê và đất nước. Du khách nước ngoài, nhất là phương Tây, bước chân vào các làng nghề lập tức bị cuốn hút, hấp dẫn khi được nhìn tận mắt, sờ tận tay và còn được thưởng thức hoặc mua sắm những sản phẩm độc đáo từ chính bàn tay tài hoa, đầu óc tinh tế của người thợ thủ công. Ngay bên Trung Quốc, vẫn tồn tại và phát triển rất hưng thịnh những làng nghề làm lồng chim, làm đồ gốm sứ cực kỳ độc đáo, thu hút hàng vạn khách du lịch quốc tế, hơn thế còn mang lại nguồn thu nhập rất đáng kể mà các khu công nghiệp, khu chế xuất không thể sánh được.

Đương nhiên cũng có một số làng nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, song vấn đề là Nhà nước, chính quyền địa phương đã có quy hoạch làng nghề rất bài bản, đồng thời đổ tiền, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, đường giao thông, hệ thống xử lý chất thải rắn, nước thải. Nhìn lại các làng nghề truyền thống ở Hà Nội, mang tiếng là mảnh đất “trăm làng trăm nghề” vùng châu thổ sông Hồng, song bộ mặt hầu hết các làng nghề quả là còn khá nhếch nhác. “Làng” chưa ra làng, mà “nghề” cũng chưa ra nghề.

Công cuộc đô thị hóa đang làm thay đổi đến mức không còn nhận ra “mặt” làng cũng như “mặt” nghề. Không ít làng nghề nức tiếng một thủa, giờ đã mai một gần như mất nghề như làng tranh Đông Hồ, lụa Hà Đông, nón Chuông, quạt Vác… May ra còn lại và tồn tại một vài làng như gốm Bát Tràng, mây tre giang Chương Mỹ. Mỗi tháng, làng gốm Bát Tràng đón tiếp từ 25.000-30.000 khách trong nước và khoảng 5.000-6.000 lượt khách quốc tế. Du khách nước ngoài không cảm thấy nhàm chán vì được xem lò gốm cổ, tham quan cách sản xuất, thậm chí tự tay chế tác một món đồ gốm…

Có lẽ khái niệm “du lịch làng nghề” xem ra vẫn còn khá mơ hồ với cả cấp chính quyền địa phương và người dân làng nghề. Một số làng nghề được thành phố “chọn mặt” phát triển du lịch làng nghề nhưng vẫn nằm “trên giấy”. Làng nghề còn “ngủ quên” đến bao giờ, ai có trách nhiệm “đánh thức” tiềm năng du lịch?

Đan Thanh