Lắng nghe âm thanh cuộc sống

ANTĐ - Thích thú, mỉm cười, rồi bỗng dưng thấy nước mắt rơi khi bắt gặp một câu chuyện khiến trái tim đau nhói…, chuyện đời của những con người đang sống, làm việc hay chỉ một lần đi qua Thủ đô Hà Nội được thể hiện qua hàng trăm bức ảnh của dự án “Humans of Hà Nội”, một dự án ảnh hết sức đặc biệt của những nhiếp ảnh gia còn rất trẻ. 

Ông lão sửa quạt với nỗi buồn ế khách vì giờ không mấy ai đi sửa quạt nữa

Những câu chuyện không đầu, không cuối

“Em sợ điều gì? – Em chả sợ gì cả - Thế em thích gì? - Em thích môn Toán và bạn thân của em. – Tại sao? - Vì môn Toán cho em nhiều kiến thức bổ ích. Em học giỏi môn Toán. Còn bạn thân là người em có thể nói đủ thứ chuyện trên đời. – Thế không phải là bố mẹ à? – Em không sống cùng bố mẹ”. Nói xong cậu bé chạy vụt đi mất. Đập vào mắt tôi trong bức ảnh là một cậu bé đeo kính cận, đội chiếc mũ ngược màu xanh lam, trên người vẫn mặc bộ đồng phục. Trên tay cầm một cây kem, cậu bé hình như có chút e dè khi nói chuyện với người lạ, nhưng vẫn rất hồn nhiên bộc lộ suy nghĩ của mình. Cuộc đối thoại ngắn gọn giữa các bạn trẻ 9x trong nhóm Freely, nhóm thực hiện dự án “Humans of Hà Nội” với cậu bé “thích môn Toán và bạn thân” là một trong số rất nhiều câu chuyện đáng suy nghĩ trong những bức ảnh của triển lãm “Bước vào thế giới của nhau”.

Lắng nghe âm thanh cuộc sống ảnh 2
Cụ bà ở tháp nước tròn Hàng Đậu với bức di ảnh người chồng quá cố trên tay

Khởi thủy từ dự án “Humans of New York” đã rất thành công ở một trong những đô thị phồn hoa nhất thế giới, “Humans of Hà Nội” tập hợp những bức ảnh của những người dân đang sinh sống ở Hà Nội, với những câu chuyện rất đời thường của họ, tạo nên một diện mạo Thủ đô Hà Nội đa sắc màu nhưng cũng rất bình dị. Trong những bức ảnh ấy, bạn có thể bắt gặp một em bé bán kẹo cao su với nỗi lo thường trực sẽ bị đánh đập khi không bán hết hàng, một người đàn ông mấy chục năm trời làm nghề sửa quạt nay đứng trước nguy cơ ế khách, một người phụ nữ trẻ biết tiếng Anh nhưng lại đi bán bánh rán… Xen lẫn những cảnh đời ngang trái, bấp bênh, có cả những niềm hạnh phúc giản đơn của một cậu bé với sự háo hức khi đội bóng cậu yêu thích vô địch, một cô dâu người nước ngoài trong bữa tiệc trăm năm với người mình yêu hay một cụ già tìm thấy niềm vui bên cạnh chú chó nhỏ nghịch ngợm … Những câu chuyện thú vị ẩn giấu đằng sau những khuôn mặt mà ai cũng có thể bắt gặp trên đường, được chia sẻ một cách tự nhiên, không vì một mục đích vụ lợi nào khác. Điểm đặc biệt là dưới mỗi bức ảnh bên cạnh những câu chuyện bằng tiếng Việt có cả chú thích bằng tiếng Anh, nên khi dự án ra mắt, có rất nhiều bạn bè quốc tế biết đến, quan tâm và ủng hộ. 

Người với người xích lại gần nhau 

Để có được dự án ảnh rất thu hút trên cộng đồng mạng và rất thành công khi được trưng bày triển lãm, là công sức những ngày lang thang không biết mệt của nhóm nhiếp ảnh gia trẻ - Freely. Trần Quang Tuấn, trưởng nhóm thực hiện dự án cho biết, bắt đầu dự án, các thành viên trong nhóm cũng rất lúng túng khi không biết có thể làm quen và bắt chuyện với những nhân vật đã gặp trên đường như thế nào. Tuấn cho biết, ban đầu là những câu hỏi cùng mô tuýp như: Hạnh phúc lớn nhất của anh/chị là gì? Kỷ niệm đáng nhớ nhất của bác?... Nhưng không phải ai cũng sẵn lòng chia sẻ, nhất là khi với “đám trẻ lạ lùng, đứa nào cũng lăm lăm cái máy ảnh”. Dần dần, mỗi thành viên lại tự xây dựng cho mình cách làm quen với những nhân vật, khiến họ mở lòng và chia sẻ cả những điều cá nhân nhất.

Bữa ăn của những người lao động gắn bó với nghề làm than

Công việc của nhóm cũng được “chuyên nghiệp hóa” khi trong 6 thành viên, mỗi người tự đảm nhận tuyến nhân vật khác nhau, người thì chuyên đi hỏi chuyện người lớn tuổi, người thì chỉ nói chuyện với những em thiếu nhi, còn người thì tìm cách khai thác những nhân vật đặc biệt. Hoàng Long là một trong số những thành viên thu thập được những câu chuyện ấn tượng nhất. Một trong những câu chuyện của Long khai thác và nhận được nhiều sự đồng cảm của mọi người là về một cụ bà ở bốt Hàng Đậu. Hai năm trước người con cả đánh cụ ông, lấy sổ đỏ căn nhà khiến cho ông bà dắt díu lên Hà Nội nhặt rác và ăn xin. Ông bị ho và sốt, 1 tuần sau qua đời. Quá nhớ và thương ông, ngày nào bà cũng cầm bức di ảnh ông ra bốt Hàng Đậu ngồi. Câu chuyện này cũng như rất nhiều câu chuyện khác, khi đưa lên trang chủ của “Humans of Hà Nội” đã nhận được sự chia sẻ rất lớn từ cộng đồng mạng. Rất nhiều người ngỏ ý xin địa chỉ để có thể trực tiếp giúp đỡ bà cụ. 

Một ý tưởng đơn giản, cách thức thực hiện cũng không hề cầu kỳ, nhưng truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống, bằng cách ngắn gọn truyền đi những giá trị về tính nhân văn sâu sắc - đó chính là ý nghĩa dự án “Humans of Hà Nội” mang lại cũng giống như trưởng nhóm, Nguyễn Quang Tuấn chia sẻ: “Thông qua những câu chuyện được gửi gắm trong những bức ảnh, chúng tôi mong muốn sẽ phá đi những bức tường ngăn cách, để mọi người xích lại gần nhau, thêm cảm thông, chia sẻ với những người xung quanh”.