Lãng mạn sinh viên yêu

ANTD.VN - Hà Nội là một thành phố có nhiều trường đại học, nhất Đông Nam Á chưa thì không chắc, nhưng nhất nước thì đương nhiên. Cũng có thể là vì Thủ đô, và cũng có thể là cư dân ở đây yêu và trọng sự học. 

Không phải ngẫu nhiên mà trường đại học đầu tiên của quốc gia Đại Việt (Quốc Tử Giám) lại được đặt ở Thăng Long. Có một hồi chưa xa, những người Hà Nội ở mọi giới mọi tuổi khi gặp một sự phiền nào đó bởi một đám thanh niên nam nữ hồn nhiên mắt sáng, hoặc đeo túi vải thô hoặc tay vo tròn cuốn sách vô tư nô đùa quá mức thì thường nhẹ nhàng thông cảm: “bọn sinh viên ấy mà”.

Sinh viên ở phố vào cái thời chưa có nhiều giáo sư, tiến sĩ đa phần đều có một phong độ khả ái dễ nhận, kể cả nội trú hay ngoại trú. Đặc biệt là lúc bọn trẻ đang lãng mạn yêu. Rất nhiều người có chữ và có tuổi, khi để ký ức mông lung quay lại nhìn, thường buông mắt thật lâu và thật sâu vào đoạn thời gian sống này. Sao mọi thứ bỗng trở nên dịu dàng lung linh đến thế. Hương hoa sữa như nồng hơn, màu phượng cháy như đỏ hơn, và những kỳ thi lại cũng nhiều hơn. Cũng vào hồi đó, đã rất đông các hội thảo, hoặc dung tục như “Sinh viên với dân số” hoặc thi vị như “Ái tình và học đường” trưng cầu ý kiến là sinh viên có nên yêu hay không.

Thế nhưng giống như đọc sách, tình yêu miên viễn không thể phát động thành phong trào, lại càng không thể cản ngăn. Với tất cả trong trắng ngây và thơ, sinh viên yêu là yêu, rất khó biết tại sao hay như thế nào. Nó có thể là một chuyến dang dở đi xa đến tít tận chùa Thầy, mà cặp đôi đèo nhau bằng xe đạp ấy, sau khi ra trường thì cậu bé nhập ngũ để cô bé chẳng bao giờ còn được gặp lại. Hoặc có thể là bên lề của một trang tiểu thuyết dịch, nghệch ngoạc mấy chữ tỏ tình mà cái chữ quan trọng nhất mơ hồ bị một cánh hoa ép khô che khuất. Và những cánh hoa đó thường là hoa dại. Nó khác hẳn hôm nay, sinh viên ở phố yêu nhau tinh và khôn quá.

Hồi vất vả bao cấp, nam sinh viên khi yêu tất thảy đều biết viết thư. Thậm chí có những đứa viết “mả” đến mức, hành luôn nghề viết thư tình thuê. Những bức thư tỏ tình mẫu mực chuyên nghiệp luôn được đám nữ sinh đọc chung. Đại loại người đọc sẽ là một con bé oang oang đanh đá mồm to. Hầu hết những con bé này về sau đều trở thành những phóng viên văn hóa xuất sắc. Cả đám nữ sinh sẽ rũ rượi cười khi trong thư có những đoạn thơ “nhái” kiểu cao thượng Pushkin “Cầu em được người tình như tôi đã yêu em”. Vậy mà không hiểu sao vẫn có khá nhiều đứa ngồi nghe thút thít khóc. Bây giờ là thời đại của smartphone, những bức tình thư viết tay đã tuyệt truyền. Sinh viên yêu nhau hầu như không còn sai hẹn, nhỡ có đến lệch chỗ thì cái máy ma xó nheo nhéo trắng trợn mách. Thảm thay, bởi tất cả các tình yêu lớn đều được xây dựng trên sự trong veo lầm lẫn và vô tư sai lệch.

Tất nhiên, tình yêu sinh viên đương đại cũng có những thủy chung đau đớn đoan trang của nó. Nó không giống xưa nhưng chẳng hề kém xưa. Những phẩm chất ấy ẩn chứa trong ầm ầm tiếng nổ của ống “bô” xe máy phân khối lớn, trong nhếch nhác nội trú vất vả ký túc xá. Sinh viên vẫn đang yêu bằng cách riêng truyền thống của họ. Khi không yêu, con người thường nhỏ đi. (Hiền giả thuở xưa dịch người nhỏ là tiểu nhân).

Theo vài thống kê xã hội học dung tục thì sinh viên yêu nhau thường khó lấy nhau. Lỗi này hoàn toàn thuộc về hôn nhân, vì đó là hình thức vĩ đại của việc tính toán hành chính hóa tình yêu. Trong hôn nhân chứa nhiều đòi hỏi về tiền bạc, một điều sinh viên hay quên. Cái quên này cũng rất dễ chữa nếu sinh viên chịu khó lướt facebook. Nói chung, tình yêu sinh viên là trong trắng. Nó vô danh, khác tình yêu của các nghệ sĩ showbiz. Nó vô lợi, khác tình yêu của đám đông công chức. Nó không thích thề thốt và tương đối xa lạ với tự tử vì sinh viên không quen nhớ lâu. Sinh viên yêu nhau bằng minh mẫn của sự không hiểu biết. “Chỉ biết yêu thôi chẳng hiểu gì” (Xuân Diệu).

Một trong những mục đích rốt ráo của cuộc sống là hướng thượng, nơi có Chân - Thiện - Mỹ. Để tới được cảnh giới đó thì vất vả là “thiên ma bách chiết”. Đầu tiên phải tập cách bớt lời đi. Lợi hại thay, tình yêu bằng sự thăng hoa của nó, vèo một cái đẩy hai người đang yêu đến thẳng trạng thái vô ngôn. Khi yêu, họ nói bằng mắt bằng tay hoặc bằng nhiều bộ phận thân thể khác. Đại loại theo kinh Phật là “dĩ tâm truyền tâm”, nôm na là từ trái tim tới trái tim. Nhờ vậy mà tình yêu của sinh viên, tuyệt không chỗ cho dối trá để từ đó nuôi dưỡng lòng trung thực. Nó luôn ăm ắp tiềm ẩn một sự vị tha một cao thượng tuyệt vời. 

Giờ đây, cuộc sống ở các đô thị Việt đang đầy ắp những bất trắc phức tạp. Vì thế, muốn nói không với các tệ nạn xã hội, sinh viên yêu nhau thường dễ nói hơn.