Làng lá dong nhường đất cho cam Canh

ANTĐ - Từng là nơi cung cấp lá dong lớn nhất ở Hà Nội, nay thôn Tràng Cát (xã Kim An – huyện Thanh Oai) chỉ còn duy trì diện tích nhỏ để trồng dong, lấy lá phục vụ nhu cầu gói bánh chưng ngày Tết. Thế chỗ cây dong là những gốc cam Canh trĩu quả dịp giáp Tết Ất Mùi.

Làng lá dong nhường đất cho cam Canh ảnh 1
Cụ Nhất khẳng định sẽ chỉ trồng dong nốt năm nay 

Đồng dong chỉ còn trong hoài niệm

Tràng Cát nằm trong vùng bãi bồi của sông Đáy, có mạch nước ngầm tinh khiết chảy qua, khí hậu thuận lợi, những yếu tố ấy làm nên thương hiệu lá dong nơi đây. Lá dong Tràng Cát là thứ lá nếp, bản rộng, khi dùng để gói bánh sẽ giúp bánh chưng có màu xanh tự nhiên mát mắt, bánh thơm ngon đặc biệt. Tuy vậy, không khí làng lá dong Tràng Cát năm nay kém phần nhộn nhịp là cảm nhận chung của nhiều người dân địa phương. “Trồng dong đỡ công chăm sóc, nhưng lợi nhuận thấp nên nhiều nhà đã bỏ trồng, những nhà còn trồng đều thu hẹp diện tích từ 5-7 sào xuống còn chưa đến 1 sào ruộng”, bà Nguyễn Thị Bổng, 60 tuổi, vừa sắp xếp từng sấp lá dong vừa bùi ngùi chia sẻ.

Giá một bó lá dong bản to là 100 nghìn đồng/100 lá, bản nhỏ khoảng 45-60 nghìn đồng/100 lá. Do số lượng ít nên giá lá dong năm nay tăng khoảng 20-30% so với năm trước, dù vậy thì lợi ích kinh tế mà cây dong đem lại vẫn không đáng là bao. “Ngày tôi còn bé, cả cánh đồng làng bát ngát lá dong. Nhà nào cũng trồng, màu xanh của dong phủ kín cả vườn, cả ruộng”, cụ Nguyễn Thị Nhất, 78 tuổi nhớ lại quá khứ làng lá dong, “Nhưng năm tới nhà tôi cũng phải bỏ, đã phá đất sẵn rồi, chưa biết trồng gì nhưng chắc chắn là không trồng dong nữa”.

Cam Canh lên ngôi

Từ 3-4 năm trở lại đây, người dân Tràng Cát rục rịch chuyển đổi từ trồng dong sang trồng cam Canh trên diện rộng. Đã từng trồng cả hai loại cây, ông Đặng Đình Hưng, 42 tuổi lý giải: “Trồng cam lãi hàng trăm triệu đồng/sào, trong khi trồng lá dong cả năm chỉ thu về được 10-15 triệu đồng/sào nên dân làng đều muốn bỏ dong trồng cam”. Cam Canh có vị ngọt thanh, thơm mát, xưa từng được chọn làm loại hoa quả cúng tiến vua, ngày nay đây là loại quả không thể thiếu mỗi dịp Tết đến xuân về. Trên thị trường, giá cam Canh dao động từ 90-120 nghìn đồng/kg. Mặc dù trồng cam canh phải đối mặt với nhiều rủi ro do phụ thuộc vào thời tiết, vốn liếng nhiều, công chăm sóc vất vả nhưng người dân Tràng Cát vẫn quyết tâm dựng nghiệp mới cùng giống “cam vua”. “Nhờ trồng cam Canh mà nhiều gia đình trong làng đã xây được nhà tầng khang trang, kinh tế cũng cải thiện rõ rệt. Nhà to toàn của người trồng cam hết đấy”, ông Hưng hăng hái nói về hiệu quả kinh tế của cây cam Canh.

Đã quá trưa nhưng các chủ vườn vẫn hối hả làm việc để kịp đợt thu hoạch cam cuối cùng trước Tết. Từng ruộng cam Canh nối tiếp nhau chạy dài xa ngút tầm mắt trên cánh đồng Tràng Cát, đẩy cây dong về sâu trong các vườn nhà, ngõ hẹp.

Ông Phạm Văn Cơ, trưởng thôn Tràng Cát cho biết cả thôn hiện chỉ còn khoảng 200 hộ dân trồng dong. Số lượng và diện tích trồng dong giảm mạnh trong những năm gần đây, chỉ bằng 2/5 so với trước. Xã Kim An đang hoàn thành những khâu cuối cùng trong kế hoạch “dồn ô đổi thửa”, nhiều gia đình đã ấp ủ kế hoạch trồng cam Canh ngay sau khi nhận ruộng mới.

Vị trưởng thôn nhận định: “Cây cam Canh đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tích cực vào xóa đói giảm nghèo tại địa phương nên chính quyền rất mừng. Dù vậy, chúng tôi cũng vẫn động viên bà con trồng dong để giữ truyền thống của địa phương, để người dân các nơi nhớ đến lá dong Tràng Cát là nhớ đến vị Tết quê hương”.