Làng cổ Đường Lâm: Sẽ có cơ chế đặc thù

ANTĐ - Xung quanh thông tin về một số hộ dân sinh sống tại thôn Đông Sàng và Mông Phụ thuộc làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) tiếp tục viết đơn xin trả lại danh hiệu di sản lần 2, hôm qua 27-9, Sở VH-TT&DL Hà Nội đã cử đoàn công tác về Đường Lâm để tiếp tục tìm hiểu những bức xúc của người dân làng cổ. 

Cần một cơ chế đặc thù để bảo tồn làng cổ

Theo ghi nhận của phóng viên Báo ANTĐ, sau gần 5 tháng thực hiện chỉ đạo của đồng chí Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội tại cuộc họp về các vấn đề liên quan đến quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích làng cổ Đường Lâm ngày 21-5, cho đến nay nhiều đầu việc đã và đang tiếp tục hoàn thành.  Về quy hoạch khu giãn dân, hiện UBND thị xã Sơn Tây đã khảo sát và thống kê về dân số, căn cứ nhu cầu xây dựng, dự kiến trong đợt một (2013-2015) sẽ thực hiện giãn 150 hộ  với diện tích 4,5ha. Địa điểm giãn dân thuộc khu Đồi Chung, thôn Phụ Khang. Hiện tại Ban Đầu tư Xây dựng thị xã đã nộp hồ sơ xin cấp phép quy hoạch cũng như hồ sơ xin cấp chỉ giới đường đỏ và thông số hạ tầng kỹ thuật lên Sở Quy hoạch Kiến trúc. 

Trước những bức xúc của người dân vì thiếu những công trình dân sinh trong vùng lõi di sản, hiện Dự án trường mầm non Đường Lâm cũng đã được xác định xây dựng tại khu đất thuộc thôn Đoài Giáp, với tổng mức đầu tư lên tới hơn 14 tỷ đồng. Bên cạnh đó là Dự án nâng cấp cải tạo Trạm y tế xã Đường Lâm. Trụ sở UBND xã hiện tại cũng sẽ được di chuyển sang Khu Gò Đồi, Bến Cốc.

Ông Phạm Hùng Sơn- Trưởng BQL Làng cổ Đường Lâm cho biết, UBND thị xã Sơn Tây đã đề xuất UBND thành phố ban hành cơ chế đặc thù hỗ trợ người dân tại di tích như sau: Hỗ trợ tiền sử dụng đất (không tính suất đầu tư hạ tầng chỉ thu tiền sử dụng đất theo giá đất ở nông thôn) và 20% tiền xây dựng nhà theo suất đầu tư cho các hộ dân được giao đất ở mới; Đối với di tích đang xuống cấp nghiêm trọng đề nghị UBND thành phố hỗ trợ 100% kinh phí tu bổ; Đối với 82 ngôi nhà cổ có giá trị đặc biệt chưa được nhà nước đầu tư tu bổ (nhà loại I, II có niên đại từ 100 năm trở lên) đề nghị ngân sách TP hỗ trợ 100% kinh phí tu bổ sửa chữa; Với những nhà theo kiến trúc truyền thống, nhà loại IV, sẽ hỗ trợ từ 30 đến 50% kinh phí; Các ngôi nhà xây dựng hiện đại, sẽ tiến hành vận động cải tạo để phù hợp với cảnh quan chung, nếu các hộ dân tự ý tháo dỡ sẽ được hỗ trợ 100% kinh phí và giá trị phần ngôi nhà đã tháo dỡ; Trường hợp sau khi tháo dỡ, hộ dân gặp khó khăn về chỗ ở và có nhu cầu giao đất giãn dân, được hỗ trợ 100% kinh phí tháo dỡ  và hưởng cơ chế giãn dân.

Ông Trương Minh Tiến- Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội dẫn đầu đoàn công tác sáng 27-9 đã có buổi làm việc với BQL Làng cổ Đường Lâm và tiếp xúc với đại diện những hộ dân đứng đơn xin trả danh hiệu di sản lần 2 là bà Trịnh Thị Thuần - người thôn Đông Sàng. Theo đó, ông Trương Minh Tiến yêu cầu BQL Làng cổ Đường Lâm thực hiện ngay một số việc liên quan tới di tích. Cụ thể phải chấn chỉnh ngay công tác bán vé vào thăm làng cổ, cần phải vận dụng linh hoạt. Việc gì trong tầm tay của BQL thì phải chủ động làm để tránh phiền hà cho cuộc sống của người dân nơi đây. Bên cạnh đó, Sở cũng đề nghị địa phương phải thường xuyên thông báo cập nhật tin tức về tiến trình quy hoạch, bảo tồn, dự án giãn dân để người dân biết và cùng chung tay thực hiện, đảm bảo ổn định đời sống cho người dân, phát triển du lịch và tôn trọng Luật Di sản Văn hóa. 

Trao đổi cùng phóng viên Báo An ninh Thủ đô, ông Trương Minh Tiến cho biết, hiện tại việc bảo tồn và phát huy giá trị Đường Lâm được đưa vào danh sách “bức xúc và cấp thiết”. Tuy nhiên, Đường Lâm là “di tích sống”, vì thế mọi việc phải được tiến hành cẩn trọng và từng bước theo đúng lộ trình.