Làng cổ Đường Lâm, lại có chuyện

ANTĐ - Câu chuyện người dân Đường Lâm làm đơn “trả lại di sản” gây xôn xao dư luận và lãnh đạo thành phố phải đến làm việc mới ổn thỏa còn chưa kịp lắng xuống thì mới đây tại làng cổ này lại xảy ra chuyện hy hữu cũng liên quan đến việc bảo vệ di tích và nhu cầu của người dân…

Đó là việc người dòng họ Ngô tự ý tổ chức buổi lễ động thổ dự án trùng tu tôn tạo khu đền thờ và lăng mộ Ngô Quyền (thôn Cam Lâm, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội). Đây là ngôi đền được xây dựng từ lâu đời và đã qua nhiều lần trùng tu. Năm 1960, khu di tích đã được Bộ VH-TT&DL công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Buổi lễ kéo dài suốt từ 8 giờ tối đến gần 12 giờ đêm với la liệt đồ vàng, mã cùng hàng trăm cân gạo, xôi… Điều đáng nói ở đây là việc hành lễ được diễn ra “bí mật” chỉ có người trong dòng họ biết, ban quản lý di tích cũng không biết. Mãi cho tới sát hôm diễn ra buổi lễ, cụ Dương Hữu Số thủ từ đền thờ Ngô Quyền đã từ 2 năm nay mới được cho biết thông tin về buổi lễ. Song, mọi thông tin về việc động thổ rồi khởi công, tổ chức xây dựng tu bổ thế nào thì ông cũng không được thông báo. 

Thực tế, dự án Trùng tu tôn tạo khu đền thờ và lăng mộ Ngô Quyền (tại thôn Cam Lâm, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) đã được lập từ cách đây 4 năm với tổng số vốn đầu tư lên tới hơn 30 tỷ theo phương án Nhà nước và nhân dân cùng làm. Dự án đã được Bộ VH-TT&DL thỏa thuận tại công văn số 2753/BVHTTDL - DSVH ngày 9-8-2012. Được biết, dự án cũng đã có bản vẽ chi tiết và các hạng mục cần sửa chữa, tuy nhiên, sau 4 năm thì kinh phí thực hiện dự án vẫn chưa có nên việc tu sửa đền thờ và lăng mộ dòng họ Ngô vẫn chỉ nằm trên giấy, và những thông tin trên bản vẽ thiết kế và bản giới thiệu về dự án vẫn nằm chờ đợi tại khu lăng mộ. 

Khu lăng mộ dòng họ Ngô là di tích đã được xếp hạng và nằm trong quần thể di tích của làng cổ Đường Lâm nên việc bảo vệ, trùng tu, tôn tạo di tích phải tuân thủ những trình tự thủ tục nhất định và thậm chí còn phải có hội đồng thẩm định về các hạng mục được phép tu sửa để đảm bảo tính nguyên trạng của di tích. Khi thực hiện dự án phải tuân theo lộ trình, các quy định khắt khe trong trùng tu di tích gỗ,... Bởi vậy, không thể có việc động thổ khởi công dự án lại không có người của Bộ VH-TT&DL tham dự.

Việc tổ chức lễ động thổ, không có nghĩa là sau đó dòng họ Ngô sẽ tiến hành động thổ và trùng tu di tích luôn, song cũng là lời cảnh báo đáng lo ngại khi di tích đã được làm mới thì sự đã rồi. Bài học nhãn tiền về vụ chùa Trăm Gian còn mới như hôm qua khiến nhiều người lo lắng, liệu có ai sẽ đứng ra đảm bảo khu quần thể đền thờ và lăng mộ Ngô Quyền không bị người dân tự ý phá đi xây mới.