Làng cây cảnh cổ nhất Việt Nam

ANTD.VN - Một vị quan dưới triều Lý sau chuyến công cán xa đất Kinh thành đã lập hành cung làm chỗ đi lại. Kể từ cái mốc năm 1211 ấy cho đến nay đã 800 năm có lẻ, Vị Khê xứng đáng trở thành làng cây cảnh lâu đời nhất Việt Nam.

Làng cây cảnh Vị Khê bắt đầu từ năm 1211

Nguồn cội làng cảnh

Vị Khê là một làng nhỏ, 800 năm trước có tên là Nguyễn Gia Trang, nay thuộc xã Điền Xá (Nam Trực - Nam Định), làng có nghề truyền thống trồng cây cảnh khó nơi nào sánh được. Từ đầu xã Điền Xá đã thấy những vườn cây thế đủ chủng loại, càng vào trong làng lại càng thấy những vườn thế quy mô. Ông Vũ Anh Tuấn - Chủ tịch UBND xã Điền Xá cho chúng tôi xem cuốn sử làng. Thế kỷ 13 như một “viên gạch đầu tiên” khai dựng một làng nghề danh bất hư truyền.

Nhờ cây cảnh, nhiều người ở Điền Xá trở thành tỷ phú

Vào năm 1211, một vị quan làm đến chức Thái úy nhà Lý tên là Tô Trung Tự đến Nguyễn Gia Trang, tức thôn Vị Khê và thấy thế đất đẹp đẽ, ruộng vườn màu mỡ phì nhiêu, dân cư thuần phác. Tô Trung Tự đã cho lập hành cung làm nơi đi lại. Ngoài việc khuyến khích mở rộng nghề nông, ông còn dạy dân trồng hoa, trồng cây cảnh để làm kế sinh nhai. Đời nối đời truyền nghề cho nhau, vừa duy trì vừa phát triển tầm vóc, tạo lập tinh hoa. 

Bộ gốc của cây sanh 300 năm đoạt giải của triều đình Huế

Vị quan lập nghề ấy dĩ nhiên trở thành ông tổ. Nay, tại Vị Khê còn khắc đôi câu đối trên hai cột ngoài cổng đình: Dục chủng tài hoa Tô tứ thủy/Nguyễn trang Vị Xá hiệu chi tiên. Tạm dịch: Trồng cây, ươm hoa do tướng họ Tô khơi dạy trước/Ấp tên Trang Nguyễn vốn làng Vị Xá buổi ban đầu. 14 năm sau kể từ khi Tô Trung Tự về làng dạy nghề cho dân.

Năm 1225, nhà Trần thế ngôi nhà Lý, cung Tức Mặc thành chốn phù hoa lớn thứ hai sau Kinh thành Thăng Long. Vị Khê gặp thời như cá hóa rồng, trở thành làng chuyên phục vụ cung vua phủ chúa bằng những cây cảnh đủ thế dáng điệu. Sau năm 1975, đất nước thống nhất, cây cảnh nghệ thuật Vị Khê càng nổi tiếng hơn.

Đến những năm 1990 khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, cây cảnh của làng này đã trở thành thương hiệu không đâu sánh được. “33 xóm, 7 thôn của Điền Xá đều trở thành làng nghề. Nghề cây cảnh đã trở thành nghề chính và cao cấp của địa phương”, ông Tuấn khẳng định. 

Tác phẩm “Khuê Văn Các” của nghệ nhân Nguyễn Văn Đức

Hai cây “trạng nguyên”

Ông Vũ Anh Tuấn - Chủ tịch UBND xã Điền Xá cho biết: “Ngoài văn tự, bia đá chứng minh nguồn cội làng cây cảnh còn đó đôi sanh thế Trực 15 tán khoảng 300 tuổi vẫn được lưu giữ. Đây là 2 cây sanh đoạt giải “trạng nguyên” gắn liền với chuyện cụ Nguyễn Việt Lã gánh vào Huế thi Hội hoa xuân”.

Cụ Nguyễn Văn Chiến kể rằng, năm 1924 trong làng có cụ Nguyễn Việt Lã là người chơi cây sành sỏi. Nhà cụ có rất nhiều cây quý, nhưng riêng đôi cây sanh thế Trực đã được cụ chăm sóc tỉ mẩn hơn cả và đặt vào đó hết cả tâm sức. Cụ coi đôi cây ấy như “của gia bảo”, là kho báu cho cả dòng họ.

Nghệ nhân Vị Khê rất tỉ mẩn trong việc trồng và uốn tỉa cây

Nhân triều đình có Hội thi hoa, cụ Lã đã nhọc công gánh đôi cây quý ấy vào tận Kinh thành Huế để dự thi. Sau những phần chấm điểm, thuyết trình ý nghĩa lẫn dáng vóc của cây thì “của gia bảo” ấy được giải nhất, tức “trạng nguyên cây”. Hai cây sanh quý giá ấy nay vẫn còn và được UBND xã Điền Xá mua lại của con cháu cụ Lã để trồng trước trụ sở như là kỷ vật quý của một thời huy hoàng.

Ông Tuấn giải thích: Cây thế Trực này phù hợp với những gia đình có cách sống trung thực, nền nếp, biết có trước có sau. Bộ tứ quý là cầu mong cuộc sống ấm no, đầy đủ. Bộ ngũ phúc mong muốn gia đình phúc hậu, có đức độ và con cháu thành đạt. Bộ huynh đệ đồng khoa là gia đình vinh hiển. Để cây có nghĩa, có thần thái, cụ Lã phải dốc tâm huyết với sự tỉ mỉ, kiên trì, uốn tỉa tạo dáng cho từng chồi, từng nhánh, có khi phải mất nhiều năm, thậm chí nhiều đời mới thành được một thế cây đẹp.

“Tiền mọc dưới đất”

Vì những kỳ công, tỉ mỉ như vậy nên những cây cảnh đẹp ở Điền Xá luôn thu hút những yêu cây. Ông Tuấn cho hay, năm 2012, cây cảnh lên cơn “sốt”, từ cây đẹp đến cây chưa thành hình dáng ở Vị Khê gần như được bán hết. Sau đó, thị trường cây chìm lắng nhưng những cây đẹp, quý vẫn được bán giá cao. Chẳng hạn như cây sanh thế long của một người sành chơi trong làng bán với giá gần 10 tỷ đồng cho đại gia xứ Thanh. 

“Ở Vị Khê nói riêng và Điền Xá nói chung, từ lâu đã là cánh đồng 200 triệu. Trồng cây cảnh lãi gấp chục lần trồng lúa và được ví như tiền mọc dưới đất lên. Từ những năm 1990, chúng tôi đã thực hiện chuyển đổi đất lúa thành đất trồng cây cảnh. Diện tích trồng cây cảnh hiện nay cũng chiếm đa số và để tìm ra hộ dân không trồng cây cảnh ở Điền Xá là rất khó”, ông Tuấn cho biết.

Khu vườn rộng hơn mẫu của ông Đỗ Quốc Hùng, 65 tuổi như một dinh thự với những hàng cây sanh, la hán, tùng bách tán... đủ mọi dáng thế. Chỉ tay vào cây sanh trước nhà, ông Hùng cho biết, đây là cây có thế phụ tử, tuổi đời hơn trăm năm, có người từng hỏi mua với giá gần chục tỷ đồng.

Ông Hùng cho biết: Gia đình thu nhập khoảng 2 tỷ đồng mỗi năm, toàn bộ khu vườn cây nếu thời có giá cũng được vài chục tỷ đồng. Cách nhà ông Hùng không xa là nhà nghệ nhân Nguyễn Văn Đức nổi tiếng với tác phẩm cây sanh “Khuê Văn Các” trong triển lãm dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. 

Ngoài đôi sanh “trạng nguyên” không thể định giá tại trụ sở xã Điền Xá, địa phương còn không ít cây quý có giá trị lên đến vài tỷ đồng. Bộ ba cây tùng la hán của gia đình họ Nguyễn được xác định 250 tuổi từng được thương gia Thái Lan hỏi mua với giá hơn 1 triệu USD để về trưng bày tại vườn Hoàng gia.

Theo ông Tuấn, Vị Khê vinh dự khi đôi cây Nguyệt Quế và hàng Vạn Tuế của làng được chọn để trồng bên Lăng Bác. Nhiều nơi quan trọng như Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ và Quảng trường Ba Đình đều có sự hiện diện của hoa, cây cảnh Vị Khê.

 “Vị Khê là cái nôi cây cảnh của cả nước và cũng là nơi “xuất khẩu” nghệ nhân. Cây cảnh đẹp không đơn thuần ở thế dáng kỳ công mực thước mà còn đẹp ở ý nghĩa, triết lý của mỗi dáng hình do những nghệ nhân tâm đắc gửi gắm vào đó”, ông Vũ Anh Tuấn - Chủ tịch UBND xã Điền Xá cho biết.