Làng Bình Đà giàu lên nhờ... bỏ pháo

ANTĐ - Thực hiện chỉ đạo của Giám đốc CATP về việc thực hiện Chỉ thị 406/TTg của Thủ tướng Chính phủ về cấm sản xuất, vận chuyển, buôn bán và đốt các loại pháo, CAH Thanh Oai, Hà Nội tích cực triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm về pháo.

Băng rôn, loa phát thanh tuyên truyền khắp làng trên xóm dưới

Về “làng pháo” cũ...

Chúng tôi về “làng pháo” Bình Đà, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, Hà Nội, trong những ngày cuối cùng của năm cũ. Bên cạnh sự náo nhiệt, ồn ào của phố Bình Đà dọc Quốc lộ 21B, một hình ảnh đối lập ngay cạnh là một làng nghề cổ truyền bình yên, yên tĩnh đến lạ thường. Đi dọc tuyến đường làng gần 5km hỏi tìm chỗ mua pháo, chỉ nhận được cái lắc đầu quầy quậy, như một phụ nữ đáp lời: “Lại pháo! Giờ còn ai sản xuất đâu mà vẫn còn người hỏi về pháo cơ chứ”. Được biết trước kia, gần 90% số hộ ở các xã như Bình Minh, Cao Viên, Thanh Cao... sản xuất pháo mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Thực hiện theo Chỉ thị 406/TTg của Thủ tướng Chính phủ về cấm sản xuất, buôn bán, vận chuyển và đốt pháo nổ, các xã làm pháo trong huyện Thanh Oai đã chuyển đổi sản xuất làm kinh tế một cách hiệu quả. Những người làm pháo trước kia hiện đã chuyển sang thêu ren, buôn bán, thậm chí chạy chợ để mưu sinh.

Tuy nghề truyền thống bị mất đi, nhưng vốn năng động trong kinh doanh buôn bán, người dân Bình Đà đã tự tạo cho mình hàng trăm nghề khác nhau, vừa đem lại thu nhập cao hơn, ổn định hơn, mà lại hết được cảnh “ngồi trên thùng thuốc nổ”. Nhiều người dân sẵn vốn cũng mở trang trại nuôi cá sấu, ếch, gia cầm… lãi hàng trăm triệu đồng/ năm. Cũng có người bỏ nghề pháo là đứng ra thành lập công ty, làm ăn phát đạt như ông Nguyễn Hữu Minh, Giám đốc Công ty TNHH Xăng dầu Mỹ Bảo…

Chúng tôi hỏi đường đến nhà “nghệ nhân” làm pháo Nguyễn Văn Nghiêm ở thôn Chua, xã Bình Minh, Thanh Oai, xưa vốn nổi tiếng khắp miền Bắc với hơn 30 năm kinh nghiệm làm pháo dân gian, pháo hoa nghệ thuật. Chia tay nghề pháo đã hơn chục năm, thế nhưng khi nhắc lại, người “nghệ nhân” già hơn 60 tuổi vẫn nhớ như in công thức, quy trình làm các loại pháo. “Làng Bình Đà sau khi bỏ nghề pháo, người dân chú tâm vào sản xuất, nhiều gia đình đi buôn cây cảnh, bán gà cho nội thành... cuộc sống của người dân đã khấm khá, xây nhà mái bằng, nhà 2-3 tầng, mỗi nhà có vài chiếc xe máy, không còn nguy hiểm, nơm nớp sợ người thân thương vong vì pháo nữa” - ông Nghiêm tâm sự.

Men theo con đường làng quanh co uốn lượn, chúng tôi đến gia đình ông Nguyễn Hữu Dũng (SN 1952, một hộ có truyền thống làm pháo). Cả gia đình đang tất bật chuẩn bị tết tươm tất. Ngôi nhà đối diện của người con trai đang được xây dựng khang trang. Ông Dũng vắng nhà, vợ ông chia sẻ: “Con trai nhà tôi mỗi đứa một nghiệp, không ai biết cách làm pháo như bố nó. Lực lượng công an đã nhiều lần đến tận nhà động viên, tuyên truyền giờ đây gia đình tôi chuyển sang buôn bán nhỏ, thu nhập gấp 2-3 lần so với trước... kinh tế ở đây khấm khá hơn...”.

Chặn trước các nguy cơ

Trước nguy cơ tiềm ẩn vi phạm về pháo vẫn còn hiện hữu, CAH Thanh Oai đã tích cực tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo UBND các xã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân nghiêm túc chấp hành Chỉ thị 406/TTg của Chính phủ qua hệ thống truyền thanh các xã và bằng băng rôn, áp phích. Tại 3 xã trọng điểm là Bình Minh, Cao Viên và Thanh Cao vốn có 90% các hộ dân trước đây làm nghề sản xuất pháo cổ truyền, CAH Thanh Oai đã thành lập các tổ công tác phối hợp với lực lượng công an các xã, thị trấn, các ban, ngành, đoàn thể tới từng hộ dân, cơ quan, trường học đóng trên địa bàn để tuyên truyền, tổ chức ký cam kết không vi phạm về pháo. Ngoài 3 xã trọng điểm về pháo, CAH Thanh Oai đồng thời xác định 3 xã Cao Dương, Phương Trung, Kim Thư có nhiều người dân thường xuyên đi buôn bán đường biên, nhắc nhở họ cam kết không hoạt động kinh doanh, vận chuyển pháo trái phép, nhận đơn đặt hàng về pháo bông, pháo thăng thiên buôn bán pháo trái phép từ đó để có biện pháp phòng ngừa, kịp thời xử lý vi phạm.

Được CATP xác định là địa bàn trọng điểm về pháo nên CAH Thanh Oai chủ động thành lập các tổ công tác liên xã phối hợp với công an xã, thị trấn, các ban ngành, đoàn thể ở địa phương rà soát 21 xã, thị trấn không để xảy ra tình trạng sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán, đốt các loại pháo. “Nếu để xảy ra tình trạng nổ pháo, mua bán pháo... xảy ra trên địa bàn thôn, xã nào thì căn cứ mức độ nghiêm trọng của vụ việc, người đứng đầu chính quyền nơi ấy sẽ phải chịu trách nhiệm...” - Ông Bùi Văn Oánh, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh, Thanh Oai, chia sẻ.