Lần theo "gốc rễ" của tội phạm lừa đảo qua điện thoại đang hoành hành khắp châu Á

ANTD.VN - Thời gian gần đây, lừa đảo qua điện thoại đang nổi lên và trở thành một dạng tội phạm có tổ chức, thủ đoạn tinh vi ở hầu khắp châu Á. Phóng sự điều tra của kênh truyền hình Channel News Asia (Singapore) đã phần nào tiết lộ về nguồn gốc, cách thức hoạt động của thế giới ngầm này.

Trấn Chang Keng, huyện An Khê, thành phố Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc)  là nơi khá yên tĩnh và hẻo lánh, với khoảng 60.000 cư dân sinh sống trong 26 ngôi làng. Nghề sản xuất trà của cả thị trấn đang gặp khó khăn, đó là tình trạng phổ biến chung của cả huyện An Khê, nơi nổi tiếng với những ruộng bậc thang và sản phẩm trà có từ thời Đường (618 - 907).

Nhưng quanh những ngôi làng này, rất bất ngờ là có sự xuất hiện của những chiếc xe hạng sang như Mercedes, Range Rover, thậm chí là Porsche đỗ bên một số biệt thự cao tới 7 tầng.

"Nếu chỉ phụ thuộc vào trồng trà, gần như không thể xây được nhà lớn như thế. Vậy tiền từ đâu ra?” - nhà báo Suki Sun đặt câu hỏi. Có thời điểm, người ta phát hiện từ An Khê phát đi hơn 1 triệu tin nhắn văn bản mỗi ngày. Đây chính là vùng đất lừa đảo qua điện thoại khét tiếng ở Trung Quốc.

Lần theo "gốc rễ" của tội phạm lừa đảo qua điện thoại đang hoành hành khắp châu Á ảnh 1Danh sách những người đã bị kết án tù vì lừa đảo qua điện thoại được công khai như một dấu hiệu răn đe

Nơi sống bằng nghề… lừa đảo 

Tại Singapore, các vụ lừa đảo liên quan đến việc mạo danh nhà chức trách Trung Quốc trong năm 2018 đã tăng 61% so với năm 2017, với số tiền bị chiếm đoạt khoảng 12,7 triệu đô la Singapore. Trong 3 năm qua, nhóm của ông Chew Jingwei tại Cục Chống hợp tác gian lận (thuộc Bộ Thương mại) đã cố gắng tìm ra những kẻ lừa đảo này thực sự đến từ đâu.

Các tập đoàn đứng đằng sau những trò lừa đảo mạo danh này rất tinh vi, có tính chất xuyên quốc gia và được tổ chức bài bản. Họ sử dụng công nghệ giả mạo số điện thoại để che giấu nguồn gốc các cuộc gọi với nạn nhân. Bởi thế, các cơ quan thực thi pháp luật khó xác định chính xác vị trí của các trung tâm cuộc gọi.

Thông thường, một tỷ lệ lớn nạn nhân được yêu cầu chuyển tiền về Trung Quốc, vì vậy cơ quan chức năng của Singapore thường xuyên chia sẻ thông tin tình báo với cảnh sát Trung Quốc. Phía Trung Quốc đã xác định, đó là ở huyện An Khê, nơi mà lừa đảo qua điện thoại đã trở thành một nguồn thu nhập quan trọng.

Nhà báo Suki Sun đã theo dõi diễn biến của các vụ lừa đảo qua điện thoại trong 2 năm qua. “Người ta coi đó là một loại công việc. Ở đây, họ có một câu cửa miệng khá hài hước: Cứ 10 người An Khê thì có 9 người là kẻ lừa đảo, 1 người còn lại thì đang được đào tạo” - vị ký giả nói.

Trong hơn 1.000 năm, người dân An Khê đã sống bằng nghề làm ra loại trà ô long cao cấp có thương hiệu Tie Guan Yin. Nhưng khi giá thành bị sụt giảm do sản xuất dư thừa, một số người đã chuyển sang các phương tiện sinh kế khác. Và nhờ đó, trong vòng chưa đầy 20 năm, thu nhập bình quân trong huyện đã tăng 40 lần. 

Wang - một người đã từng tham gia lừa đảo qua điện thoại cho biết, ông có thể kiếm được 2.200 USD mỗi tháng. “Đó là một số tiền rất lớn. Tôi nghĩ rằng tôi đang làm một công việc tốt, mọi thứ đều hoàn hảo và khó mà bắt được tôi. Nhưng cuối cùng tôi đã quá bất cẩn và quên tắt điện thoại. Vì vậy, cảnh sát đã phát hiện ra tín hiệu rồi lần theo…” - Wang nói. 

Hiện quanh An Khê các khẩu hiệu chống lừa đảo xuất hiện khắp nơi để dọa những kẻ vi phạm pháp luật, rằng cảnh sát đang siết chặt vòng vây. Thậm chí, người ta còn công khai danh sách 23 người ở thị trấn Chang Keng đã bị bỏ tù vì tội lừa đảo.

Theo nhà báo Suki Sun, người ta cho rằng người Đài Loan (Trung Quốc) đã dạy người dân ở An Khê cách thức lừa đảo qua điện thoại. “Khoảng 2 triệu người ở Đài Loan có quan hệ tổ tiên họ hàng ở An Khê. Khi người Đài Loan muốn mở rộng hoạt động của họ ở Trung Quốc đại lục, nơi đầu tiên họ nhắm tới là An Khê”.

Lần theo "gốc rễ" của tội phạm lừa đảo qua điện thoại đang hoành hành khắp châu Á ảnh 2Những biệt thự hoành tráng mọc lên từ sự giàu có bất thường của người dân An Khê, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc

Triệt phá “hang hùm”

Tại Đài Loan, có nhiều hình thức lừa đảo qua điện thoại. Vào lúc cao điểm năm 2009, chính quyền đã xử lý hơn 18.000 vụ việc - ông Paggy Chiu, Giám đốc Trung tâm Chỉ huy chống gian lận thuộc Cục Điều tra tội phạm (Bộ Nội vụ) cho biết. Trung tâm này được thành lập vào năm 2016, thời điểm mà một trong những “ông trùm” khét tiếng xã hội đen là Zhu Zhi Wei kiếm được 1,17 triệu USD/năm từ lừa đảo qua điện thoại.

Đối tượng này bắt đầu từ dịch vụ chuyển tiền, sau đó vận hành đường dây lừa đảo qua điện thoại lớn nhất, hoạt động cả tại Việt Nam và đã bị đi tù 4, 5 năm. Sau khi thụ án, hắn tiếp tục các hoạt động bất hợp pháp bằng cách điều hành nhiều “tổng đài” để thực hiện các cuộc gọi lừa đảo nạn nhân trên khắp thế giới.

Vốn đặt trong một chung cư cao cấp trước cửa tòa nhà chính quyền thành phố Đài Trung, đường dây này chỉ bị chặt đứt khi một vụ lừa đảo qua điện thoại xuyên Đài Loan  - Nhật Bản dẫn đến việc Zhu Zhi Wei bị bắt giữ vào năm 2017.

Ông Lin Yen-Liang - Công tố viên trưởng của Văn phòng Công tố quận Đài Trung giải thích rằng, bắt kẻ chủ mưu là chìa khóa để triệt phá các đường dây lừa đảo kiểu này.

“Chi phí hoạt động do ông trùm bỏ ra. Và 60 -70% số tiền kiếm được sẽ thuộc về hắn. Nhưng vì đối tượng không có mặt tại “tổng đài” nên không có bằng chứng trực tiếp buộc tội anh ta” - ông Lin Yen-Liang nói.

Cuối cùng, các công tố viên Đài Loan đã thuyết phục được một nạn nhân Nhật Bản nộp đơn trình báo cảnh sát ở Đài Loan. Với nạn nhân và bằng chứng cụ thể, các nhà thực thi pháp luật đã đột kích vào trung tâm của Zhu Zhi Wei và sau đó hắn bị kết án 3 năm tù.

Các đối tượng bị bắt giữ trong “hang ổ” này có một giáo viên, một phiên dịch và 17 người Thái Lan đã tới Đài Loan để học cách trở thành những kẻ lừa đảo qua điện thoại. Việc phát hiện ra “trường học lừa đảo” này chỉ ra một điều: Những kẻ lừa đảo đang xâm nhập vào các lãnh thổ mới.

“Trước đây, các tập đoàn lừa đảo thường nhắm vào cộng đồng nói tiếng Trung. Nhưng gần đây, chúng tôi nhận thấy chúng cũng đã mở rộng sang các quốc gia khác như Thái Lan, Nhật Bản và các nước nói tiếng Anh” - ông Chen  Hsin-Lang, Công tố viên trưởng Văn phòng Công tố quận Changhua cho biết.

Lần theo "gốc rễ" của tội phạm lừa đảo qua điện thoại đang hoành hành khắp châu Á ảnh 3Tang vật một vụ triệt phá nhóm lừa đảo qua điện thoại ở Đài Loan (Trung Quốc)

“Vươn vòi” ra nước ngoài 

Sau thời kỳ bị nhà chức trách Đài Loan truy quét ráo riết, các tập đoàn tội phạm bắt đầu bành trướng ra nước ngoài. Đầu tiên là Trung Quốc, sau đó sang Đông Nam Á, gồm Philippines, Việt Nam, Malaysia. Ở Philippines, những kẻ lừa đảo từ Trung Quốc và Đài Loan thường xuyên bị Cục Di trú ngăn chặn.

Vì thế chúng thuê người dân địa phương tìm địa điểm để hoạt động bí mật. Những hòn đảo nhỏ và các ngôi làng xa xôi, hẻo lánh của Philippines trở thành căn cứ khó bị phát hiện. Ví dụ như thị trấn Dingras với 38.000 dân ở tỉnh Ilocos Norte, cách Manila khoảng 400km, một ổ lừa đảo đã trú ngụ trong một nhà kho giấu kín suốt 2 năm mới bị triệt phá. 

Chánh thanh tra Artemio Cinco Jr của Cục Cảnh sát chống tội phạm mạng Philippines cho biết, đơn vị ông đã tìm thấy một số buồng điện thoại và 25 người Trung Quốc gọi điện lừa đảo ẩn náu trong đó. Các đối tượng này sau khi đến Philippines thường ở lỳ trong kho, không bao giờ bước ra khỏi khu nhà do đã được cung cấp đầy đủ thức ăn, chỗ ngủ và phương tiện giải trí. “Bọn họ có làn da như thể không tiếp xúc với Mặt trời trong vài tháng” - Chánh thanh tra Cinco nói.

Thực tế, đằng sau mỗi cuộc gọi lừa đảo qua điện thoại là một mạng lưới tội phạm quốc tế trải dài từ Trung Quốc đến Đông Nam Á. Người ta lo ngại rằng, với thủ đoạn hết sức tinh vi, loại tội phạm này dù bị triệt phá ở đây nhưng không biết lúc nào nó sẽ mọc lên ở nơi khác.

Trong thập kỷ qua, chính quyền Đài Loan (Trung Quốc) đã giảm được 1/3 số vụ lừa đảo qua điện thoại bằng cách thắt chặt an ninh mạng để ngăn chặn rò rỉ dữ liệu, kiểm soát chặt các nhà cung cấp IP đáng ngờ và hạn chế truy cập Internet của những đối tượng lừa đảo. Ngoài ra, định vị địa chỉ IP sẽ giúp cảnh sát tìm được nơi xuất phát các cuộc gọi. Nhà chức trách cũng ráo riết bắt giữ những kẻ nhận - chuyển tiền, vì đó là đầu mối giúp ngăn chặn việc các ổ nhóm có thể lấy được tiền của nạn nhân.