Làn sóng bạo lực, chia rẽ bè phái ở tỉnh Diyala, miền Trung Iraq

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bạo lực đang gây tâm lý bất ổn cho các cộng đồng ở tỉnh Diyala, miền Trung Iraq đồng thời đặt ra câu hỏi liệu sự yên bình và ổn định tương đối đã chiếm ưu thế ở phần lớn Iraq trong những năm kể từ khi nhóm cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) bị đánh bại có duy trì được hay không.
Anh Jassem Ismail ở Muqdadiyah, tỉnh Diyala, Iraq cùng những bức ảnh về hai đứa con đã thiệt mạng khi một quả bom gài trên ô tô phát nổ vào đầu tháng 3-2023

Anh Jassem Ismail ở Muqdadiyah, tỉnh Diyala, Iraq cùng những bức ảnh về hai đứa con đã thiệt mạng khi một quả bom gài trên ô tô phát nổ vào đầu tháng 3-2023

Hussein Maytham, 26 tuổi đang lái xe chở gia đình đi ngang qua khu rừng cọ gần nhà thì xe của họ trúng một quả bom được gài trên đường. Vụ việc diễn ra hồi đầu tháng 3 tại ngôi làng Hazanieh có đa số người Shiite sinh sống. Maytham may mắn sống sót nhưng cha mẹ, một người dì và 3 người anh em họ đã thiệt mạng trong vụ nổ.

Đây là vụ mới nhất trong loạt vụ tấn công diễn ra trong tháng qua tại tỉnh Diyala, miền Trung Iraq, nằm ở phía Bắc và phía Đông Thủ đô Baghdad, khiến ít nhất 19 thường dân thiệt mạng. Nhà phân tích chính trị Mohanad Adnan nhận định, Iraq đã thoát khỏi nguy cơ tạo điều kiện cho sự trỗi dậy của IS hay bạo lực giáo phái sau 20 năm chiến tranh nhưng một số vùng của đất nước, bao gồm cả Diyala, vẫn căng thẳng, thỉnh thoảng có những làn sóng bạo lực khơi lại những vết thương cũ.

Diyala, giáp với cả Iran và khu vực người Kurd tự trị của Iraq, vốn là một tỉnh đa dạng về sắc tộc và tôn giáo, đồng thời là tuyến đường chính cho hoạt động buôn lậu, bao gồm cả ma túy. Tổ chức Badr, một lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn, đã giành quyền kiểm soát tỉnh Diyala từ tay IS vào năm 2015. Kể từ đó, tổ chức này đã khẳng định sự thống trị của mình đối với một số đảng chính trị người Shiite và lực lượng bán quân sự có liên quan cũng như các nhóm Sunni. Mặc dù hầu hết cư dân Sunni phải di tản trong cuộc chiến chống IS đã quay về, nhưng họ thường bị chính quyền và hàng xóm nghi ngờ do có liên hệ với các phần tử cực đoan.

Tại ngôi làng Jalaylah của người Sunni, 9 người, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em, đã thiệt mạng trong một vụ tấn công khủng khiếp vào cuối tháng 2-2023, hai tháng sau khi họ bị quy trách nhiệm cho phép IS tấn công một ngôi làng lân cận, theo các quan chức an ninh. Anh Awadh al-Azzawi, một dân làng cho biết những kẻ tấn công đã di chuyển công khai qua khu vực này. “Họ không đeo khẩu trang. Mặt họ rất rõ”, anh nói. Người dân cáo buộc các thành viên của ngôi làng Shiite Albu Bali gần đó, nơi IS giết chết 9 người vào tháng 12, đã thực hiện vụ tấn công để trả thù.

Với những người thân của Maytham, họ không muốn nghi ngờ ai đã giết hại các thành viên gia đình, chỉ biết đối tượng tấn công là “những kẻ khủng bố”. Ông Sheikh Mustaf - thủ lĩnh của Bani Tamim, một trong những bộ lạc có đa số người Shiite nổi bật nhất ở Diyala, đã kêu gọi bình tĩnh, nhưng các thành viên bộ lạc nói rằng vũ khí của họ đã sẵn sàng nếu chính quyền không đưa những kẻ ám sát ra trước công lý.

Thủ tướng Mohammed Shia al-Sudani đã đến thăm Diyala vài ngày sau vụ tấn công và gửi quân tiếp viện đến khu vực. Một số nghi phạm đã bị bắt vì tội khủng bố và các kho vũ khí, bao gồm súng cối, tên lửa và đạn dược, đã bị phát hiện. “Lỗi là do lực lượng an ninh và chính phủ vì họ phải đảm bảo an ninh cho khu vực. Đó là trách nhiệm của họ”, ông Sheikh Maher, một người họ hàng của gia đình Maytham nói và thêm rằng có bàn tay bên ngoài đang định đưa tỉnh của họ trở lại những ngày bè phái và hỗn loạn.

Một quan chức an ninh tỉnh cho biết: “Những gì đang xảy ra ở Diyala không chỉ là khủng bố mà còn là cuộc đấu tranh giành ảnh hưởng giữa các phe phái vũ trang có liên hệ với các khối chính trị”. Theo ông Tamer Badawi, nghiên cứu sinh tiến sĩ người Iraq tại Đại học Kent, Anh quốc, các nhóm vũ trang cũng đang thực hiện các cuộc tấn công nhằm gây bất ổn cho khu vực và làm suy yếu cuộc truy quét của chính phủ nhằm vào mạng lưới buôn lậu mà chúng đã điều hành trong nhiều năm. Hệ quả, sau các vụ trấn áp buôn lậu, tội phạm ngày càng gia tăng, cụ thể là giết người và bắt cóc tống tiền. Cư dân của Diyala cho biết, bất kể nguyên nhân là gì, họ là người phải gánh chịu tình trạng chia rẽ bè phái, sắc tộc tôn giáo cùng chủ nghĩa khủng bố.