Lặn ngụp mưu sinh

ANTĐ - Đi dọc sông Năm (tên gọi do người dân địa phương đặt cho con sông chảy qua địa bàn xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) những ngày này, hai bên tả, hữu đoạn nào cũng thấy kẻ kéo, người quăng vó sắt bắt ốc, trò chuyện rôm rả.

Chị Minh hàng ngày ngụp lặn để kiếm thêm tiền nuôi con ăn học

Đã 12h trưa nhưng bà Như (64 tuổi) vẫn ngâm mình trong dòng nước đỏ ngầu. Nhìn thoáng qua, chỉ thấy chiếc đầu bà ngoi lên mặt nước, một tay bà giữ chiếc thau, một tay dò dẫm dưới đáy sông để tìm kiếm những con ốc vặn. 

Cùng đi với bà Như là chị Minh (38 tuổi) người cùng làng. Nhà chị Minh chỉ có 4 sào ruộng, không có nghề phụ gì lại phải nuôi 3 đứa con đang học cấp 1 nên ngoài mùa vụ, chị thường cùng bà con trong xóm ra sông Năm bắt ốc. “Mình chỉ biết trông chờ vào mấy sào ruộng, nên phải làm cái nghề này để kiếm con cá, bó rau. May ra ngày tích góp được hai, ba chục nghìn để đóng tiền học, sách vở cho con”, chị Minh giãi bày.

Ngâm mình trong nước từ sáng đến trưa, một già, một trẻ mới thu được hai cạp thau nhựa ốc các loại. Trời nắng chang chang, họ vẫn lặn ngụp. Đảo mắt một lượt trên khúc sông chưa đầy một cây số nhưng đã có đến 4-5 tốp phụ nữ bắt ốc, trẻ có, già có. 

Công việc của họ bắt đầu 5h sáng và kết thúc lúc 12h trưa. “Hôm nào sớm thì tầm này về rồi, nhưng cũng có ngày tận tối mịt. Thôi thì thêm được đồng nào hay đồng ấy”, chị Minh bộc bạch. Ngày ngày phải dầm nước sông, thường xuyên bị nước ăn chân tay, thấp khớp và nhiều bệnh phụ nữ, nhưng họ không thể bỏ nghề vì đây là nguồn thu nhập chính. Những con ốc cào được ngày nào là bán ngay ngày đó. Nếu không bán được thì coi như hôm đó cả nhà ăn ốc thay cơm. 

Lặn ngụp mưu sinh   ảnh 2
Các em nhỏ cũng đi mò ốc kiếm tiền

Trên khúc sông này, các bà, các chị đua nhau quăng vó sắt bắt ốc. Không chỉ thế, những em học sinh cũng thi nhau đi mò ốc. Không khó khăn gì để người qua đường bắt gặp hình ảnh những em trai rủ nhau đi bắt ốc, kiếm thêm tiền mua sách vở. 

Giá một kilôgram ốc từ 6-8 nghìn đồng, ốc nhỏ thì giá thấp hơn. Mỗi ngày, một người đi cào ốc kiếm được 80-120 nghìn đồng. Chưa kể, ai quăng cào ra giữa sông bị mắc, mất cào thì coi như hôm đó trắng tay vì sẽ phải mua chiếc cào mới giá khoảng 130.000 đến 150.000 đồng. Để tránh mất cào, các bà, các chị buộc sợi dây cào dài khoảng 15 - 20m để vừa sức quăng, nếu bị mắc cào dưới đáy sông thì còn lội, bơi ra gỡ được.