Cung nghinh xá lợi Đức Phật từ Ấn Độ
Đại lễ Vesak Liên hợp quốc do Việt Nam đăng cai tổ chức sẽ diễn ra từ ngày 6 đến 8-5 tại TP.HCM với sự tham dự của các đoàn đại biểu đến từ hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Theo đó, xá lợi Phật Thích Ca Mâu Ni- Bảo vật Quốc gia của Ấn Độ sẽ được tôn trí tại chùa Thanh Tâm (số 22 Mai Bá Hương, Lê Minh Xuân, bên cạnh Học viện Phật giáo TP.HCM) trong suốt thời gian diễn ra Đại lễ Vesak. Lễ chiêm bái chính thức cho cộng đồng bắt đầu lúc 8 giờ ngày 2-5 và kết thúc vào ngày 8-5-2025.
Từ ngày 9 đến 13/5, xá lợi xá lợi Phật Thích Ca Mâu Ni- Bảo vật Quốc gia của Ấn Độ sẽ được tôn trí tại Núi Bà Đen, Tây Ninh.
Sau đó, xá lợi Đức Phật sẽ được cung rước trên các đường phố xung quanh chùa Quán Sứ và hồ Hoàn Kiếm, rồi về tôn trí tại hội trường chùa Quán Sứ để Phật tử chiêm bái từ ngày 14 đến hết ngày 16/5.
Ngày 17/5 sẽ cung rước xá lợi Đức Phật tới chùa Tam Chúc, tỉnh Hà Nam và an trí đến ngày 21/5.
![]() |
Giáo hội Phật giáo Việt Nam họp báo, công bố các hoạt động của Vesak 2025 tại Việt Nam |
Trao đổi tại cuộc họp báo, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cho biết: Xá lợi Phật Thích Ca Mâu Ni là Bảo vật Quốc gia của Ấn Độ nên khi xuất ngoại, được Chính phủ Ấn Độ coi như chuyến công du của nguyên thủ. Để cung nghinh xá lợi Phật, Chính phủ Việt Nam, Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 31/12/2024 đã có công hàm gửi cho Chính phủ và Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho phép Giáo hội Phật giáo Việt Nam được cung rước xá lợi Đức Phật sang Việt Nam.
Sau một quá trình đàm phán, trao đổi văn hóa, trao đổi ngoại giao giữa bộ ngoại giao hai nước, đến nay, Chính phủ Ấn Độ đã đồng ý. Đoàn tiền trạm của Ấn Độ gồm đại diện Bộ Văn hóa, các chuyên gia khảo cổ học, lãnh đạo Bảo tàng Quốc gia Ấn Độ đã đến Việt Nam từ 18/4 để tiền trạm các nơi mà Việt Nam dự kiến tôn trí xá lợi Đức Phật.
Dự kiến xá lợi Đức Phật sẽ đến sân bay Tân Sơn Nhất vào ngày 2-5 bằng chuyên cơ quân sự của Ấn Độ, do Bộ Quốc phòng Ấn Độ hộ tống.
Chiêm bái xá lợi trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức tại chùa Hộ Quốc
Cũng theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cùng với việc tôn trí xá lợi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, tại Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 tổ chức tại Việt Nam còn tôn trí trái tim Bồ Tát Thích Quảng Đức.
![]() |
Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự- Giáo hội Phật giáo Việt Nam thông tin về việc tôn trí xá lợi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và xá lợi trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức |
Đây là sự kiện quan trọng nhằm giới thiệu với bạn bè quốc tế về truyền thống của Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc. Xá lợi trái tim của Hòa thượng Thích Quảng Đức thể hiện tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử, đồng thời thể hiện chiều sâu tâm linh của Phật giáo Việt Nam. Hòa thượng Thích Quảng Đức đã tự thiêu để phản đối chiến tranh – sự kiện từng đã gây chấn động dư luận quốc tế.
Ngày 11 tháng 6 năm 1963, tại ngã tư Lê Văn và Phan Đình Phùng, Sài Gòn (nay là ngã tư đường Cách Mạng Tháng Tám và Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh), Hòa thượng Thích Quảng Đức đã tự thiêu để phản đối chiến tranh cùng sự đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm.
![]() |
Bức ảnh Bồ tát Thích Quảng Đức tự thiêu để phản đối chiến tranh của phóng viên Malcolm Browne (1931 – 2012) đoạt giải World Press Photo năm 1963. Bức ảnh gây chấn động toàn thế giới và gây xúc động cho những trái tim yêu chuộng hoà bình |
Khi Ngọn lửa bốc cao phủ kín thân mình, Ngài vẫn an thiên tịnh tọa, lưng thẳng như tượng đồng. Sau khoảng 15 phút an nhiên thiền định trong biển lửa, nhục thân của Bồ tát Thích Quảng Đức được thỉnh về chùa Xá Lợi làm tang lễ. Nhục thân Bồ-tát đã được cung thỉnh về thiêu tại Đài hỏa táng An dưỡng địa ở Phú Lâm. Sau khi nhục thân biến thành tro, thì lạ lùng thay, quả tim vẫn còn.
Quả tim tiếp tục được đưa trở lại lò thiêu với ngọn lửa trên 4.000 độ, trong nhiều giờ liền, nhưng vẫn không cháy và trở thành một khối rắn như đá với hình dáng nguyên vẹn. Chính vì điều kỳ diệu này, Chính quyền Việt Nam cộng hoà khi đó buộc phải công bố và trở thành một sự kiện chấn động toàn thế giới.
Sau đó, chư tôn đức đã đặt trái tim của Bồ tất Thích Quảng Đức vào trong tháp đồng và gửi vào Ngân hàng của Pháp tại Sài Gòn. Sau ngày 30-4-1975, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP.HCM đã tiếp quản và gìn giữ cho đến ngày nay.
![]() |
Xá lợi trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức. Hòa thượng Thích Quảng Đức, pháp danh Thị Thủy, pháp tự Hành Pháp, thế danh Lâm Văn Tuất, sinh năm 1897 tại làng Hội Khánh, quận Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hoà |
Về lịch trình cung rước xá lợi trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức, sáng 3/5, xá lợi sẽ được cung rước từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM ra Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM, nơi tổ chức Đại lễ Vesak Liên hợp quốc. Xá lợi trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức được tôn trí ở đây từ ngày 3 đến 11/5 để tăng ni, Phật tử, bạn bè quốc tế chiêm bái. Sau đại lễ trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức sẽ được tôn trí vĩnh viễn tại Bảo tháp của Việt Nam Quốc Tự.
"Thời gian qua, theo nguyện vọng của toàn thể Tăng, Ni Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cung thỉnh xá lợi trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức ra để tôn trí tại VESAK 2025 sau đó là tôn trí vĩnh viễn tại Việt Nam Quốc Tự (đường 3/2 quận 10, TP.HCM). ĐIều này đã được các cơ quan chức năng đồng thuận"- Thượng tọa Thích Đức Thiện chia sẻ.