- Lễ hội gò Đống Đa lần đầu tiên khai hội vào buổi tối
- Khai hội Gò Đống Đa 2024
- Dừng tổ chức Lễ hội Gò Đống Đa
Tối 2-2 tại Di tích quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa, UBND quận Đống Đa đã tổ chức Lễ hội kỷ niệm 236 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789-2025) nhằm tôn vinh, tưởng nhớ công lao to lớn của Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ cùng các tướng sĩ quân Tây Sơn đã anh dũng chiến đấu chống giặc ngoại xâm, giữ vững độc lập dân tộc.
Tới dự và dâng hương có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh dâng hương đền thờ Vua Quang Trung. |
Trong diễn văn khai mạc lễ hội kỷ niệm 236 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, Chủ tịch UBND quận Đống Đa Lê Tuấn Định đã ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc. Theo đó, vào mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789, dưới sự chỉ huy tài tình, sáng tạo của hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ, nghĩa quân Tây Sơn đã tiến công thần tốc, đánh tan 29 vạn quân Mãn Thanh, làm nên chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, giải phóng kinh thành Thăng Long.
Đây là một chiến công vĩ đại và hiển hách bậc nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta và mãi là niềm tự hào của dân tộc. Trận Ngọc Hồi - Đống Đa đã chứng tỏ nghệ thuật quân sự của người "anh hùng áo vải, cờ đào" Quang Trung - Nguyễn Huệ, đó là: “Thần tốc - Táo bạo - Bất ngờ”. Bằng thắng lợi vĩ đại này, dân tộc ta đã đập tan sự xâm lược của quân Thanh, giữ vững độc lập dân tộc.
Ca sĩ Trọng Tấn góp mặt trong chương trình nghệ thuật "Đống Đa - Sử vàng lưu danh - Tương lai vững bước". |
"Chiến Thắng Ngọc Hồi - Đống Đa và tên tuổi sự nghiệp hoàng đế Quang Trung vĩ đại đã trở thành tấm gương ngời sáng cho trí tuệ, nghệ thuật quân sự tài tình, tiêu biểu cho truyền thống yêu nước, tinh thần quật cường chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, là minh chứng lịch sử cho truyền thống yêu nước, yêu độc lập - tự do ngàn đời của nhân dân ta; là sự khẳng định tinh thần đoàn kết, dũng cảm, ý chí quật cường; là bản anh hùng ca bất hủ trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước vĩ đại của dân tộc", Chủ tịch UBND quận Đống Đa nhấn mạnh.
Theo đồng chí Lê Tuấn Định, năm 2025 là năm diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng của Thủ đô và đất nước, năm diễn ra đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Đây cũng là năm thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện chủ đề: “Kỷ cương - Trách nhiệm - Hành động - Sáng tạo - Phát triển”, gắn với việc thực hiện Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Với niềm tự hào về lịch sử truyền thống Thăng Long - Hà Nội, với khí thế thần tốc của chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa năm xưa, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Đống Đa sẽ cùng chung tay, đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, phát huy mọi nguồn lực để phát triển quận Đống Đa, bứt phá cùng Thủ đô bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, góp phần xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại - Nhân dân hạnh phúc”.
Toàn cảnh lễ khai hội gò Đống Đa nhìn từ trên cao. |
Sau phần lễ là chương trình nghệ thuật “Đống Đa - Sử vàng lưu danh - Tương lai vững bước” được thể hiện bằng hình thức bán thực cảnh kết hợp công nghệ 3D mapping hiện đại.. Chương trình có sự tham gia của các nghệ sĩ nổi tiếng: NSND Thanh Lam, ca sĩ Trọng Tấn, ca sĩ Minh Quân, ca sĩ Vũ Thắng Lợi, ca sĩ Hoàng Hồng Ngọc, ca sĩ Ngọc Ký, ca sĩ Viết Danh, ca sĩ Đông Hùng, ca sĩ Minh Đức, ca sĩ Quỳnh Lady, ca sĩ Minh Phương cùng vũ đoàn Lavender, Câu lạc bộ Sao Tuổi Thơ, tập thể diễn viên quần chúng Quận Đống Đa.
Chương trình nghệ thuật đã tái hiện sống động đời sống của nhân dân trong bối cảnh cuối thế kỷ XVIII, sự nhiễu nhương, rối loạn của triều đình, của giai đoạn Trịnh – Nguyễn phân tranh, đất nước chia cắt Đàng Trong – Đàng Ngoài, khí thế hừng hực trong các cuộc chiến đấu của nghĩa quân Tây Sơn.
Khán giả như đang trong cuộc hành quân thần tốc của nghĩa quân Tây Sơn, xung quanh là voi, ngựa, giáo mác, cung tên... có khi như đang đứng trên chiến thuyền trong trận chiến Rạch Gầm Xoài Mút, có khi lại như đang hân hoan trong khúc khải hoàn của nhân dân Thăng Long vào mùa Xuân Kỷ Dậu năm 1789.
Lễ hội kỷ niệm 236 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa sẽ kéo dài từ nay đến hết ngày 4/2. Trong những ngày diễn ra Lễ hội sẽ có rất nhiều hoạt động đặc sắc như: lễ dâng hương, tế lễ của các đoàn tế lễ địa phương; lễ rước kiệu; biểu diễn múa Lân, múa Rồng; biểu diễn võ thuật Bình Định Gia; hội thi cờ tướng, cờ người; viết chữ thư pháp, giới thiệu nghệ thuật truyền thống...