Lần đầu ghép thành công đồng thời thận-tụy

ANTĐ - Ngày 3-3, PGS.TS Hoàng Mạnh An, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 103 cho biết, các bác sĩ của bệnh viện vừa tiến hành ca ghép đa tạng (thận-tụy) thành công. Đây cũng là lần đầu tiên tại Việt Nam thực hiện thành công kỹ thuật ghép đa tạng này.

Kíp phẫu thuật đã ghép tạng thành công cho bệnh nhân

Bệnh nhân vừa được ghép tạng là Thượng úy Phạm Thái H. (43 tuổi), công tác tại Ban chỉ huy Quân sự tỉnh Sơn La. Bệnh nhân này bị bệnh đái tháo đường tuýp 1, suy thận độ 2 từ lâu và ngày càng tiến triển nặng. Nguồn tụy-thận để ghép cho bệnh nhân được lấy từ người cho đã chết não do bị tai nạn giao thông hiến. Ca ghép diễn ra ngày 1-3, kéo dài trong 13 tiếng đồng hồ (từ 3h sáng đến 16h chiều), với sự tham gia của hơn 150 cán bộ Học viện Quân y và Bệnh viện 103. Đáng chú ý, ngoài ca ghép 2 tạng này, Bệnh viện 103 còn thực hiện ghép tạng cùng lúc cho 2 bệnh nhân khác.

Theo PGS Hoàng Mạnh An, hiện kỹ thuật ghép tạng đã trở thành thường quy không chỉ ở Bệnh viện 103 mà nhiều bệnh viện khác trong cả nước. Tuy nhiên, ghép đồng thời 2 tạng thận-tụy trên người thì chưa có bệnh viện nào ở Việt Nam triển khai. Do đó, bệnh viện dự kiến sẽ mời chuyên gia nước ngoài sang giúp đỡ khi thực hiện ca ghép đồng thời 2 tạng đầu tiên. Tuy nhiên, ngay khi có người tự nguyện hiến tạng, Bệnh viện đã quyết định tiến hành ghép ngay vì không thể giữ lại nguồn tạng hiến của người chết não để chờ đợi các chuyên gia nước ngoài sang. Do kíp phẫu thuật của bệnh viện đã được ghép thử nghiệm 50 ca trên động vật từ trước đó, cộng thêm nhiều bác sĩ đã có thời gian thực tập tại các trung tâm ghép tạng ở nước ngoài nên ca ghép trên đã thành công tốt đẹp. Sau ghép, bệnh nhân đã tỉnh táo, thở máy, vết mổ khô, dẫn lưu tuỵ có ít dịch, nước tiểu 4.00ml/24h.

PGS Hoàng Mạnh An nhấn mạnh, thành công bước đầu của ca ghép tụy-thận nói trên một lần nữa khẳng định tay nghề và trình độ ghép tạng của bác sĩ Việt Nam đã ngang tầm quốc tế. Trong tương lai, Bệnh viện 103 sẽ tiến tới ghép ruột, ghép mạch máu, thậm chí sẽ thực hiện ghép tuỵ từ người cho sống để tránh phụ thuộc vào nguồn tạng hiến vốn rất khan hiếm.