Lần đầu công bố hai nhạc phẩm trong di cảo của nhạc sĩ Văn Cao

ANTĐ - Lần đầu tiên hai nhạc phẩm sáng tác thời kỳ kháng chiến chống Mỹ của cố nhạc sĩ Văn Cao sẽ được công bố tại đêm nhạc kỷ niệm 90 năm ngày sinh của ông do chính gia đình nhạc sĩ Văn Cao tổ chức tại Hà Nội với sự tài trợ của Vietcombank.

Theo lời nhà thơ, họa sĩ Văn Thao - Trưởng nam của nhạc sĩ Văn Cao, sinh thời, nhạc sỹ vốn sáng tác không nhiều, nhưng bài nào cũng như một “viên ngọc sáng”, nên việc phát lộ hai nhạc phẩm sáng tác trong giai đoạn chống Mỹ chưa từng được hát công khai vào chương trình “sẽ vẽ thêm một nét mới vào chân dung âm nhạc Văn Cao”, chứ không chỉ dừng lại ở việc giới thiệu các tác phẩm tân nhạc và hùng ca như những đêm nhạc khác về Văn Cao. Đó là nhạc phẩm “Dưới ngọn cờ giải phóng” (được sáng tác năm 1962) và “Ta đi làm con suối” (viết đầu những năm 1970 về những người thợ mỏ Quảng Ninh).

Cũng trong đêm nhạc, lần đầu tiên khán giả được thưởng thức bài Tiến quân ca theo phong cách hợp xướng, với lời bài hát gốc do Hồ Chủ tịch lựa chọn làm quốc ca trước khi Quốc hội sửa lời vào năm 1955. Ánh Tuyết - người hát thành công nhất nhạc Văn Cao - sẽ chịu trách nhiệm mở màn đêm nhạc với ca khúc nổi tiếng này. Ngoài Ánh Tuyết, đêm nhạc tưởng nhớ Văn Cao còn có sự góp mặt của NSND Quang Thọ, Đăng Dương, Lan Anh và nhiều ca sĩ khác.

Đêm nhạc là điểm nhấn quan trọng nhất trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 90 năm ngày sinh của Văn Cao. Trước đó, đầu tháng 11, Nhà xuất bản Hội nhà Văn ra mắt tập thơ Văn Cao và tổ chức hội thảo về tập thơ này. Cũng vào đầu tháng 11, Truyền hình Công an Nhân dân (ANTV) phát sóng bộ phim tài liệu mới về Văn Cao. Ngày 10/11, Hội nhạc sĩ Việt Nam cũng đã tổ chức một chương trình giao lưu âm nhạc về ông. Cũng trong tháng 11, một triển lãm ảnh đầu tiên của nhà nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán có tên “Văn Cao 18 năm về trước” tại Hà Nội đã thu hút rất đông người xem.

Trong nền âm nhạc nước nhà, Văn Cao được xem là một “tượng đài” nhờ sự nghiệp âm nhạc lẫy lừng trải trên 2 mảng: Tình ca và hùng ca. Ở cả 2 đề tài, ông đều thành công tột bậc. Không chỉ là một cây đại thụ của tân nhạc Việt Nam, ông còn là một nhà thơ, một họa sĩ tài hoa với nhiều tác phẩm giá trị.

Trong nền âm nhạc nước nhà, Văn Cao được xem là một “tượng đài” nhờ sự nghiệp âm nhạc lẫy lừng trải trên 2 mảng: Tình ca và hùng ca. Ở cả 2 đề tài, ông đều thành công tột bậc. Không chỉ là một cây đại thụ của tân nhạc Việt Nam, ông còn là một nhà thơ, một họa sĩ tài hoa với nhiều tác phẩm giá trị.
Trong nền âm nhạc nước nhà, Văn Cao được xem là một “tượng đài” nhờ sự nghiệp âm nhạc lẫy lừng trải trên 2 mảng: Tình ca và hùng ca. Ở cả 2 đề tài, ông đều thành công tột bậc. Không chỉ là một cây đại thụ của tân nhạc Việt Nam, ông còn là một nhà thơ, một họa sĩ tài hoa với nhiều tác phẩm giá trị.