Lấn chiếm vỉa hè, lòng đường còn phổ biến

ANTĐ - Đoàn giám sát HĐND TP Hà Nội vừa hoàn thành báo cáo giám sát về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn Thủ đô.

Ngang nhiên bán hàng dưới lòng đường Hồ Tùng Mậu

Theo đánh giá của đoàn giám sát, trong năm 2011 và quý 1 năm 2012, tai nạn giao thông trên địa bàn TP Hà Nội đã giảm trên cả 3 tiêu chí: số vụ tai nạn, số người bị thương và số người chết. Ngoài ra, số điểm ùn tắc cũng giảm. Đặc biệt, HĐND TP đánh giá cao hiệu quả bước đầu của phương án đổi giờ học, giờ làm của thành phố. HĐND TP ghi nhận, sơ bộ sau 2 tháng thực hiện việc đổi giờ, tình hình giao thông trên các tuyến đường của thành phố bước đầu đã có những cải thiện rõ rệt. Một số tuyến đường trước đây thường xuyên xảy ra ùn tắc trong giờ cao điểm thì nay mật độ giao thông đã giảm đáng kể như các tuyến Trường Chinh, Chùa Bộc, Tây Sơn, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Lương Bằng, Xuân Thủy - Cầu Giấy... Tuy nhiên, Đoàn giám sát cũng đánh giá, vào giờ cao điểm buổi chiều, mặc dù ùn tắc giao thông có giảm nhưng vẫn còn nhiều điểm ùn tắc cục bộ.

Cùng với đó, đoàn giám sát cũng phát hiện và chỉ rõ trong quá trình thực hiện các giải pháp trọng tâm nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông của UBND TP còn 4 vấn đề hạn chế. Cụ thể, thứ nhất là tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, hành lang an toàn giao thông để kinh doanh, trông giữ xe còn phổ biến và phức tạp; công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông chưa thường xuyên, quyết liệt. Thứ hai, việc di dời các trường đại học, cao đẳng, bệnh viện ra các khu quy hoạch của TP còn rất chậm. Thứ ba, công tác đào tạo, sát hạch, cấp phép lái xe còn nhiều bất cập. Cuối cùng, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông còn thiếu chiều sâu, chưa bền bỉ, liên tục.

Đoàn giám sát của HĐND TP Hà Nội nhận định nguyên nhân chủ quan của các hạn chế nêu trên là do công tác quy hoạch, quản lý thực hiện theo quy hoạch đô thị, quy hoạch giao thông còn yếu và chưa đồng bộ. Thực trạng cơ sở hạ tầng giao thông trên địa bàn TP cũng thiếu đồng bộ. Hệ thống cầu, đường giao thông, bến bãi đỗ xe còn thiếu, trong khi tiến độ triển khai các dự án giao thông trọng điểm luôn chậm.

Ngoài ra, quá trình giám sát còn chỉ ra, việc phối hợp giữa các cấp, các ngành trong triển khai thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông chưa đồng bộ. Vai trò, trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong quản lý hè phố, hành lang bảo vệ an toàn giao thông chưa cao, cá biệt có nơi còn buông lỏng. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành thành phố chưa thực sự vào cuộc quyết liệt để thực hiện các giải pháp theo Nghị quyết số 34 của HĐND TP, nhất là những vấn đề liên quan đến quy hoạch giao thông tĩnh.

Đoàn giám sát yêu cầu Sở GTVT Hà Nội tập trung quyết liệt thực hiện các nhóm giải pháp trọng tâm đảm bảo trật tự an toàn giao thông; sớm trình HĐND TP cho ý kiến về quy hoạch giao thông vận tải thủ đô đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Đoàn giám sát cũng đề nghị UBND TP Hà Nội phải xây dựng cơ chế khen thưởng, kỷ luật rõ ràng trong công tác chấp hành, đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Trong đó, quy rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương. Tiếp đó, Sở GTVT phải đẩy nhanh dự án trông giữ phương tiện tập trung sau khi thu hồi các điểm trông giữ phương tiện. Ngoài việc xử lý vi phạm hiệu quả, lực lượng chức năng cũng cần phải tuyên truyền để cán bộ thực thi công vụ gương mẫu trong chấp hành trật tự an toàn giao thông và trong cả xử lý hành vi vi phạm