Làm thế nào để Việt Nam phát triển mạnh?

ANTĐ -Cách duy nhất để một quốc gia phát triển đó chính là tìm ra được "Lợi thế kiếm tiền khác biệt" và số tiền đó phải kiếm từ bên ngoài lãnh thổ. Việt Nam muốn phát triển mạnh cũng không thể đứng ngoài quy luật này.

Việt Nam trải qua 30 năm đổi mới. Những thành tựu là rất lớn, tuy nhiên Việt Nam chưa có được sự vượt mạnh như các quốc gia cũng bằng ấy năm như Hàn Quốc, Nhật bản, Thái Lan... Chúng ta đã lãng phí khá nhiều thời gian khi chưa tìm được Keypoint (điểm mấu chốt) của phát triển kinh tế.

Làm thế nào để Việt Nam phát triển mạnh? ảnh 1

Cần tìm ra USP cho kinh tế Việt Nam

Vào năm 1990, giáo sư Michael Porter của Trường Kinh doanh Harvard đã cho xuất bản những kết quả của một nỗ lực nghiên cứu chuyên sâu nhằm tìm hiểu tại sao một số nước lại thành công còn một số khác lại thất bại trong cạnh tranh quốc tế. Porter và các cộng sự đã nghiên cứu tổng cộng 100 ngành tại 10 quốc gia khác  nhau. Giống như những người ủng hộ thuyết thương mại mới, công trình của Porter được định hướng bởi niềm tin rằng các lý thuyết hiện tại về thương mại quốc tế chỉ chỉ ra được một phần của câu chuyện. Đối với Porter, nhiệm vụ cốt yếu là giải thích được tại sao một quốc gia đạt được sự thành công quốc tế trong một ngành cụ thể. Porter gọi cái này là "Lợi thế cạnh tranh quốc gia".

Theo các chuyên gia thương hiệu thì nghiên cứu của Michael Porter giải thích một góc nhìn khác gọi là "Lợi thế kiếm tiền khác biệt" so với các quốc gia khác trên thế giới hay nôm na gọi tắt là USP (Unique Selling Point). 

USP lý giải tại sao Thái Lan lại có 30 triệu du khách trong khi lợi thế du lịch không hơn Việt Nam thậm chí còn kém nhiều thứ. Hay Nhật Bản vươn lên số 1 thế giới về công nghiệp sản xuất sản phẩm có lý tính cao, nhưng giá thành hạ. Hoặc như Singapore trở thành Trung tâm văn phòng đại diện của các tập đoàn, công ty trên thế giới khi làm ăn tại Châu Á...

Cách duy nhất để một quốc gia phát triển đó chính là tìm ra được "Lợi thế kiếm tiền khác biệt" và số tiền đó phải kiếm từ bên ngoài lãnh thổ. 

1. Nếu không lấy được tiền thiên hạ mà chỉ luân chuyển tài sản nội địa thì đất nước không tăng thu nhập với tốc độ cao được.

2. Nếu không tìm và làm ra được một lợi thế kiếm tiền thiên hạ (USP) thì sẽ rất khó lấy được tiền của thiên hạ vì các quốc gia khác có USP họ sẽ lấy mất.

3. Nếu không có USP này thì Việt Nam không có được sức mạnh tập trung của cả dân tộc, mà sẽ bị phân tán nguồn lực. Tác hại của phân tán nguồn lực là cái gì cũng làm nhưng không giỏi cái gì.

4. Nếu không có USP này thì Việt Nam sẽ mất cơ hội tạo di sản lâu đời hay chuyên sâu để tạo thành Văn hóa Dân tộc đặc sắc như Do Thái, người Nhật, người Hoa và được tôn trọng trên toàn Thế giới... mà sẽ mờ nhạt và giống như các nền văn hóa khác và chỉ được nhớ đến như là một nét dân gian lạ kỳ nào đó.

Khi đất nước có được một thế mạnh vượt trội với các quốc gia khác thì người Việt sẽ được tôn trọng hơn trong con mắt của bạn bè quốc tế và việc phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.

Các chuyên gia kinh tế hàng đầu thế giới gợi ý USP cho Việt Nam như thế nào? Giáo sư Michael E. Porter gợi ý trong chiến lược dài hạn, Việt Nam nên tập trung phát triển nông nghiệp để trở thành một nhà cung cấp lương thực, thực phẩm hàng đầu thế giới, hoặc tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng về kho bãi, cảng biển để trở thành một điểm trung chuyển hàng hoá, kho vận toàn cầu. Trong khi đó, cha đẻ của Marketing hiện đại Philip Kotler phát biểu: “Nếu Trung Quốc là công xưởng của thế giới, Ấn Độ là văn phòng của thế giới thì Việt Nam hãy là “nhà bếp của thế giới”.

Làm thế nào để Việt Nam phát triển mạnh? ảnh 2

Giáo sư Michael E. Porter

Để tìm cho ra được USP của một đất nước thì không thể chỉ nghe ý kiến của các chuyên gia kinh tế trên thế giới mà cần sự sáng tạo của toàn dân tộc. Tất cả những ai được coi là trí thức tại Việt Nam cần phải đóng góp để tìm ra được lợi thế này, muốn vậy cần phải có một dự án tầm quốc gia và Chính phủ hậu thuẫn để nghiên cứu và tìm kiếm các giải pháp cho Lợi thế quốc gia, để phát triển lợi thế này trở thành một "Lợi thế kiếm tiền thế giới" đúng nghĩa và lâu dài.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã có tham luận rất hay tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, với ý kiến lấy kinh tế tư nhân làm trung tâm của nền kinh tế và cần đổi mới cơ chế chính trị trong 70 năm qua đề phù hợp với sự đổi mới của kinh tế và tập trung vào nâng cao năng suất lao động của toàn dân. Tuy nhiên đổi mới chính trị chỉ là một điều kiện cần và nâng cao năng suất của toàn dân là cần thiết nhưng không phải là điều kiện đủ và cái "đủ" là cần phải biết tạo ra lợi thế cạnh tranh quốc gia và nâng cao năng suất tại lợi thế này mới giúp cho đất nước cất cánh trong giai đoạn tới.