- Nâng cao năng lực tư vấn tâm lý học đường cho giáo viên chủ nhiệm
- Giám sát công tác tư vấn tâm lý học đường tại Hà Nội
- Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Sắp tới các trường học sẽ có cán bộ chuyên trách tư vấn tâm lý học đường
![]() |
Các giáo viên Hà Nội chia sẻ những sáng kiến trong công tác tư vấn tâm lý học đường |
Một trong những ca may mắn được cứu sống tại bệnh viện Nhi đồng TPHCM năm 2024 là trường hợp hai trường hợp nữ sinh (cùng 15 tuổi) tự tử bằng thuốc ngủ và thuốc giảm đau. Cả 2 bé gái đều có học lực tốt, một em còn là học sinh giỏi, có ước mơ đi du học và thi vào ngành y. Tuy nhiên, trong một phút nông nổi, vì áp lực gia đình và không còn được tin tưởng, 2 trường hợp trên đã uống thuốc để quyên sinh.
Theo các chuyên gia tâm lý, chất lượng cuộc sống phát triển kéo theo áp lực kinh tế và guồng quay công việc tấp nập khiến nhiều phụ huynh không có thời gian để gắn kết, chia sẻ với con, đặc biệt là các gia đình ở đô thị, thành phố lớn.
Bộ GD-ĐT xác định đẩy mạnh công tác xã hội, tư vấn tâm lý học đường cho học sinh, sinh viên là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Tuy nhiên, các chuyên gia giáo dục nhận định, để hoạt động thực sự hiệu quả, công tác tư vấn tâm lý học đường cần được coi trọng và mang tính chuyên nghiệp hơn.
Trước thực tế này, Hội Tâm lý Giáo dục học Hà Nội vừa thảo luận về việc làm gì để nâng cao cảm nhận hạnh phúc trong trường học với mục tiêu để các chuyên viên tâm lý học đường kết nối, cập nhật kiến thức và cùng nhau tìm ra những giải pháp thiết thực để xây dựng môi trường học đường hạnh phúc và bền vững.
PGS-TS Trịnh Thị Linh, Trưởng Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh vai trò quan trọng của nhà tâm lý học đường trong việc bảo vệ và nâng cao sức khỏe tinh thần cho học sinh, giáo viên, nhân viên nhà trường.
Theo PGS-TS Trịnh Thị Linh, các chuyên viên phòng tâm lý học đường không chỉ là người hỗ trợ cá nhân mà còn góp phần tạo dựng một môi trường giáo dục an toàn, hòa nhập, giúp học sinh phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần và cảm xúc.
PGS Trịnh Thị Linh cũng mang đến nhiều kiến thức chuyên môn quan trọng như phương pháp đánh giá sức khỏe tinh thần, đo lường hạnh phúc, thang đo phổ sức khỏe tâm thần MHC và các chương trình phát triển trí tuệ cảm xúc. Những chia sẻ này giúp các nhà tâm lý học đường có thêm những kiến thức khoa học để thực hiện nhiệm vụ của mình một cách hiệu quả hơn.
Phân tích những thách thức mà Ban Giám hiệu các nhà trường đang đối mặt trong hành trình xây dựng trường học hạnh phúc, TS Nguyễn Thị Thu Anh, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục học Hà Nội, nguyên Hiệu trưởng trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành đặc biệt nhấn mạnh vai trò quan trọng của chuyên viên tư vấn tâm lý như những “vitamin hạnh phúc”.
Đây là chất xúc tác giúp gắn kết Ban giám hiệu, giáo viên, học sinh và phụ huynh, từ đó chăm sóc sức khỏe tâm lý học đường một cách hiệu quả.
TS Thu Anh cũng đề cao vai trò của hiệu trưởng trong việc hiện thực hóa 12 tiêu chí về trường học hạnh phúc do UNESCO đề xuất. Chỉ khi những tiêu chí này được triển khai đồng bộ, trường học mới thực sự trở thành một môi trường hạnh phúc, nơi mỗi cá nhân đều được tôn trọng, thấu hiểu và phát triển toàn diện.
Nhiều giáo viên đã chia sẻ về các hoạt động thực tiễn đã được triển khai tại các trường học ở Hà Nội. Trường THCS Nam Từ Liêm giới thiệu nhiều sáng kiến hữu ích như "Hôm nay bạn thế nào?", "Điều ước Giáng sinh của bạn là gì?", chiến dịch "7 ngày biết ơn"…, tất cả nhằm khuyến khích học sinh bày tỏ cảm xúc và quan tâm đến bản thân, gia đình, xã hội.
Cô Phạm Thị Ngọc Huệ, giáo viên Toán kiêm phụ trách phòng tâm lý học đường tại trường THPT Đông Anh, đã khiến nhiều người xúc động khi chia sẻ những câu chuyện đầy ý nghĩa về hành trình đồng hành cùng học sinh vượt qua khó khăn tâm lý. Không chỉ tận tâm hỗ trợ các em, cô còn không ngừng học hỏi, sáng tạo nhiều hoạt động thiết thực nhằm phòng ngừa và can thiệp kịp thời, giúp học sinh cảm nhận được sự quan tâm và yêu thương từ thầy cô và nhà trường.
NGƯT-TS. Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, nhấn mạnh lý thuyết sách vở rất nhiều, nhưng thực tế mới là quan trọng. “Hạnh phúc là rất quan trọng. Các thầy cô phải hạnh phúc thì mới lan tỏa được hạnh phúc đến mọi người. Chúng ta đi “chữa lành” cho các em, nhưng điều quan trọng hơn là làm sao để các em phát triển bản thân. Tham vấn tâm lý học đường phải làm sao để học sinh có thể tự giải quyết được vấn đề bên trong của mình” – TS Nguyễn Tùng Lâm bày tỏ.
Với sự đồng hành của các chuyên gia, nhà giáo dục và nhà quản lý, khái niệm “trường học hạnh phúc” không còn là một ý tưởng xa vời mà đang dần trở thành hiện thực – nơi mỗi học sinh được thấu hiểu, an toàn và phát triển toàn diện.
NGND.GS.TS. Nguyễn Thị Mỹ Lộc – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, TS. Nguyễn Thị Thu Anh… đã giải đáp nhiều câu hỏi thực tiễn về cách triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ tâm lý trong trường học, đồng thời chia sẻ tầm nhìn chiến lược nhằm xây dựng một hệ thống giáo dục chú trọng hạnh phúc và sự phát triển toàn diện của học sinh với mong muốn lan tỏa mô hình hoạt động của cộng đồng nhà tư vấn tâm lý học đường Hà Nội đến các tỉnh thành, mở rộng mạng lưới chăm sóc sức khỏe tâm lý học đường trên cả nước.