Làm thế nào để bổ sung vitamin C đúng cách?

ANTD.VN - Nhiều người nghĩ rằng vitamin C có thể bổ sung bằng thuốc là được, thế nhưng, thực tế thì đây không phải là cách hoàn hảo cho những người đang thiếu hụt loại vitamin này.

Làm thế nào để bổ sung vitamin C đúng cách? ảnh 1

Chìa khóa phòng bách bệnh

Là một axit hòa tan trong nước, vitamin C đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì sức khỏe và phòng chống bệnh tật. Thiếu vitamin C sẽ ảnh hưởng tới quá trình tạo sợi collagen, đặc biệt trong các mao mạch, mô liên kết, mô xương. Lúc đó, sẹo sẽ khó lành, mao mạch dễ vỡ, quá trình hình thành xương, răng bị hạn chế, đặc biệt là với trẻ nhỏ.

Thực tế cho thấy, vitamin C còn can thiệp vào quá trình chuyển hoá năng lượng nên thiếu nó, chúng ta sẽ mệt mỏi. Không chỉ vậy, hàm lượng vitamin C không đủ, cơ thể cũng không thể chuyển hóa sắt và axit folic. Nhiều người bị thiếu máu do thiếu sắt cũng một phần xuất phát từ nguyên nhân này.

Ngoài ra, khi đi vào cơ thể, vitamin C sẽ tham gia vào quá trình tạo các chất dẫn truyền thần kinh như: Norepinephrine, Serotnin, axit  amin Tyrosine. Bởi thế, nếu thiếu nó, bạn sẽ cảm thấy khó tập trung, trí nhớ giảm sút.

Triệu chứng điển hình nhất của thiếu vitamin C là viêm lợi, chảy máu chân răng, cơ thể bỗng dưng xuất hiện những vết bầm tím, vết thương mãi không chịu lành, hay nhiễm trùng, thường xuyên bị các bệnh thời tiết như: cúm, viêm phế quản, nang lông bị sừng hóa...

Trong những trường hợp này, nếu không bổ sung vitamin C kịp thời,  nguy cơ tử vong có thể xảy ra do chảy máu ồ ạt hoặc do thiếu máu cục bộ cơ tim. Chế độ ăn thiếu vitamin C sẽ làm giảm lượng vitamin C có trong cơ thể 3-4%/ngày. Do đó, nếu chủ quan, tình trạng thiếu vitamin C sẽ ngày càng trở nên trầm trọng.

Vitamin C tổng hợp: Dễ đào thải khỏi cơ thể 

Mặc dù vitamin C có vai trò quan trọng đối với sức khỏe, thế nhưng, hầu hết chúng ta lại không ý thức được vấn đề đó. Trên thực tế, chúng ta lo lắng về tình trạng thiếu sắt, thiếu canxi, kẽm, vitamin D..., song thiếu vitamin C  lại không được nhắc tới. Đặc biệt, ngay cả khi có những triệu chứng điển hình của sự thiếu hụt dưỡng chất này thì cũng ít người nghĩ về nó.

Trong trường hợp ý thức được tình trạng thiếu vitamin C, đa phần mọi người sẽ nghĩ đến việc bổ sung bằng các loại thuốc tổng hợp. Thế nhưng, theo bác sĩ Hà Thị Việt Hòa, Phòng khám Dinh dưỡng, Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, vitamin C ở dạng tổng hợp rất dễ bị ô xit hóa và chuyển hóa thành axit oxalic, dễ bị bay hơi nên không giữ được lâu trong cơ thể.

Cho nên, để khắc phục tình trạng này, bạn sẽ phải sử dụng hàm lượng vitamin C khá lớn. Thế nhưng, rắc rối là nếu dùng vitamin C hàm lượng lớn một lúc, nó có thể gây kích ứng dạ dày, nhất là ở những người đã từng có tiền sử bệnh về đường tiêu hóa.

Hơn nữa, khi bổ sung bằng dược phẩm, dễ dẫn đến trường hợp thừa vitamin C - nguyên nhân gây ra các bệnh lý không mong muốn như: loét dạ dày, tá tràng; viêm bàng quang, tiêu chảy, tăng tạo sỏi thận và gây bệnh gút...

Do đó, để điều trị tình trạng thiếu vitamin C, bạn chỉ nên sử dụng 1-2gr/ngày và dùng trong 15 ngày liên tục. Thông thường, các triệu chứng toàn thân sẽ giảm dần trong một ngày đầu và các triệu chứng khác sẽ mất đi trong vòng từ 1 - 4 tuần. Sau thời gian này, nếu tình trạng không được cải thiện, bạn cần đến bác sĩ để có được tư vấn tốt nhất.

Trái ngược với các dược phẩm, bổ sung vitamin C bằng thực phẩm là an toàn hơn cả. Bởi lẽ, theo bác sĩ Hà Thị Việt Hòa, vitamin C trong hoa quả, rau xanh không tồn tại dưới dạng đơn độc mà sẽ kết hợp với các chất như flavonoid, peptide... tạo thành hỗn hợp, làm tăng hoạt tính của vitamin C cũng như bảo toàn, ổn định hàm lượng. Một điểm nữa là vì nó có khối lượng phân tử cao nên khó phân hủy và không bị đào thải ra khỏi cơ thể nhiều như vitamin C tổng hợp. Vì vậy, nếu sử dụng vitamin C trong hoa quả sẽ giữ được hàm lượng lâu hơn cũng như tăng khả năng hấp thụ và tiêu hóa. Cho nên, trong trường hợp bị thiếu vitamin C, giải pháp  hiệu quả nhất là tăng cường các thực phẩm giàu chất này.

Thế nhưng, bạn cũng cần lưu ý rằng: vitamin C rất không bền, dễ hòa tan trong nước và dễ bị phân hủy ở nhiệt độ cao nên những thức ăn được chế biến sẵn hoặc để lâu ngày đều bị mất dưỡng chất này. Bên cạnh đó, vitamin C dễ tan trong nước nên không tích lũy trong cơ thể, vì vậy nó cần được cung cấp hàng ngày.

Vitamin C trong hoa quả, rau xanh không tồn tại dưới dạng đơn độc mà sẽ kết hợp với các chất như flavonoid, peptide... tạo thành hỗn hợp, làm tăng hoạt tính của vitamin C cũng như bảo toàn, ổn định hàm lượng. Một điểm nữa là vì nó có khối lượng phân tử cao nên khó phân hủy và không bị đào thải ra khỏi cơ thể. Vì vậy, nếu sử dụng vitamin C trong hoa quả sẽ giữ được hàm lượng lâu hơn cũng như tăng khả năng hấp thụ và tiêu hóa.

Bác sĩ Hà Thị Việt Hòa, Phòng khám Dinh dưỡng, Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội