Làm sao để xe buýt nhanh BRT chạy nhanh hơn?

ANTD.VN - Những ngày qua, xe buýt nhanh BRT tuyến từ Kim Mã đến bến xe Yên Nghĩa chưa thực sự phát huy hết công năng được dự tính ban đầu do các phương tiện tham gia giao thông khác không thực hiện đúng biển chỉ dẫn giao thông.

Xe buýt nhanh BRT chính thức đưa vào hoạt động từ ngày 1/1/2017, chạy tuyến 01 đi từ Kim Mã đến bến xe Yên Nghĩa. Tuy nhiên, trong những ngày xe buýt BRT chạy thử nghiệm, tình trạng lấn làn, đi sai làn, tạt đầu xe buýt nhanh những ngày gần đây khiến người dân không khỏi bức xúc vì xe buýt nhanh không “nhanh” như dự tính ban đầu.

Các phương tiện giao thông khác vẫn đi vào làn đường dành riêng cho xe buýt nhanh

Theo Nghị định 46, nếu người điều khiển ôtô chạy vào đường cấm, đường ngược chiều, chạy sai làn, trên vỉa hè sẽ bị phạt từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng. Người điều khiến xe ô tô sẽ bị xử phạt trong trường hợp các làn bên cạnh thông thoáng những vẫn cố tình chạy xe vào làn đường của xe buýt nhanh.

Tại các nhà chờ của xe buýt nhanh đều có hệ thống camera ghi hình, theo đó, các tình trạng vi phạm giao thông sẽ bị xử phạt nguội. Nếu tình trạng ùn tắc xảy ra tại nơi có biển báo phân làn cho xe buýt nhanh thì các phương tiện khác vẫn có quyền được đi vào để giảm ách tắc giao thông.

Xe buýt BRT không nằm trong danh sách những loại xe ưu tiên (xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ, xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường, xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu, xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật, đoàn xe tang), chính vì vậy xe buýt nhanh vẫn phải chịu những chế tài quy định trong Luật Giao thông đường bộ.

Tùy từng trường hợp cụ thể mà lực lượng công an, cảnh sát giao thông sẽ xử phạt theo đúng các điều khoản đã quy định. Các phương tiện giao thông khác nên nắm rõ pháp luật để thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình, giúp xe buýt nhanh có thể thực sự nhanh trên các tuyến đường Thủ đô.