Làm sao để Nhà hát Lớn trở thành điểm du lịch hấp dẫn ở Thủ đô?

ANTD.VN -Ngày 10-5, Tổng cục Du lịch và Nhà hát Lớn Hà Nội đã tổ chức khảo sát, tọa đàm xây dựng sản phẩm du lịch, khai thác chương trình biểu diễn nghệ thuật phục vụ khách du lịch tại Nhà hát Lớn Hà Nội với sự tham gia của hơn 100 doanh nghiệp lữ hành để góp ý về việc mở cửa đón khách tham quan và hoàn thiện sản phẩm du lịch.

Tại cuộc tọa đàm, các chuyên gia du lịch, lãnh đạo các công ty lữ hành đều hưởng ứng việc đưa Nhà hát Lớn trở thành một điểm đến tham quan, du lịch, trải nghiệm thú vị thu hút du khách trong và ngoài nước. Song, để có một sản phẩm du lịch “sống được”, phục vụ du khách có tính lâu dài, đậm đà bản sắc văn hóa... cần cân nhắc kỹ ngay khâu chuẩn bị. Vì thế, rất nhiều các ý kiến đóng góp đã được các cá nhân, đơn vị lữ hành thẳng thắn đưa ra.

Rất nhiều băn khoăn

Theo dự kiến từ tháng 6-2017, Nhà hát Lớn Hà Nội sẽ mở cửa phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu lịch sử, kiến trúc và thưởng thức nghệ thuật của du khách. Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Giám đốc Nhà hát lớn Hà Nội cho biết: “Nhà hát Lớn xây dựng 2 gói sản phẩm du lịch gồm: Dành cho khách chỉ vào tham quan với mức giá 120.000 đồng/người và gói 400.000 đồng với gói thăm quan và xem biểu diễn nghệ thuật”.

Theo ông Lê Công Năng đến từ Vietrantour: "Thời điểm mở cửa tham quan đang tới gần, công tác xúc tiến sản phẩm tour mới cần được đẩy mạnh, thông qua việc gửi các thông tin đến tất cả các đơn vị lữ hành. Nếu chậm trễ trong khâu truyền thông cũng như chiến lược ưu đãi nhân dịp mở cửa tham quan sẽ dẫn đến việc thu hút du khách đến với Nhà hát Lớn kém hiệu quả".

Thời gian quá gấp gáp, chỉ còn chưa tới 20 ngày nữa là bắt đầu mở, nhiều công ty lữ hành tỏ ra lo lắng. Bởi thông thường, để bán được một sản phẩm du lịch mới cần khoảng thời gian ít nhất từ 3 đến 6 tháng xúc tiến, giới thiệu sản phẩm.

Nhận định về giá vé, ông Nguyễn Hồng Nguyên, đại diện Hanoitourist bày tỏ quan điểm: “Nếu mới thực hiện mở cửa đón khách mà thu mức giá 120.000 đồng/người vào tham quan và 400.000 đồng/người với gói sản phẩm vừa tham quan và xem biểu diễn nghệ thuật là quá cao".

Lý do là với doanh nghiệp và du khách thì yếu tố đầu tiên là xem xét về giá. Có thể ban đầu nên điều chỉnh thấp xuống để hút khách, sau này khi đã khẳng định được thương hiệu thì lúc đó mức giá có cao vẫn có khách vào tham quan.

Khung giờ tham quan tiếp tục gây xôn xao, ông Dương Xuân Tráng, Giám đốc công ty du lịch Mai Phượng Vy nhận thấy: “Giới hạn giờ tham quan từ 10 giờ 15 phút đến 11 giờ 45 phút là quá hẹp do tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội khiến khách di chuyển tham quan từ các điểm khác về sẽ không chủ động”.

Ông Tráng đề xuất, nên mở cửa từ 9 giờ sáng đến gần 12 giờ trưa và chiều từ 14 giờ đến khoảng 17 giờ. Đồng thời nên mở cửa thường xuyên các ngày trong tuần, không nên chỉ mở thứ 2 và thứ 5 như đề xuất, vì nhu cầu của nhóm khách lẻ không thể cố định. Việc mở cửa tham quan, bán vé vào Nhà hát Lớn nên triển khai theo mô hình tham quan một bảo tàng kiến trúc, nghệ thuật.

Đồng ý kiến với ông Tráng về mô hình tham quan, Bà Vũ Hà, giám đốc Công ty Easy travel cụ thể: “Việc tham quan Nhà hát Lớn nên có một máy chiếu tự động với các ngôn ngữ khác nhau. Việc giới thiệu bằng máy chiếu tự động đã được triển khai tại nhiều bảo tàng các nước trên thế giới và một số bảo tàng của Việt Nam. Điều này sẽ thuận tiện cho du khách của nhiều nước”.

Bên cạnh đó, bà Vũ Hà nhận thấy đối tượng phục vụ chính giai đoạn này là khách Pháp và châu Âu. Do đó, việc mở cửa để khách vào tham quan nên thực hiện vào những khung giờ cố định tất cả các ngày trong tuần.

Chương trình nghệ thuật không nên là “nồi lẩu”

Nhà hát Lớn là một sản phẩm cực kỳ đặc thù khi nói đến Hà Nội. Du khách đến Nhà hát Lớn đều mong muốn được xem biểu diễn nghệ thuật. Nhiều ý kiến đánh giá chương trình nghệ thuật dành cho khách du lịch khoảng thời gian 30 phút là hợp lý. 5 tiết mục Hòa tấu “Duyên dáng Việt Nam”; trích đoạn tuồng “Ông già cõng vợ đi xem hội”; múa “Hứng dừa”, chùm sáo dân tộc “Tình trăng, tình núi”, múa rối “Vũ điệu Chim Công”, hát múa chầu văn “Cô bé Đông Cuông”, Tam tấu đàn Đá - T'rưng “Đêm hội Tây Nguyên” nếu đơn lẻ thì rất hay, song đặt cạnh nhau lại chưa mang đậm hồn dân tộc, rời rạc, không xâu chuỗi được nội dung ý tưởng thành một chủ đề xuyên suốt khiến người xem cảm thấy như một “nồi lẩu thập cẩm”.

Trích đoạn tuồng “Ông già cõng vợ đi xem hội”

Các bên tham gia đều mong đợi Cục Nghệ thuật biểu diễn, Nhà hát Lớn Hà Nội xem xét lại nội dung chương trình nghệ thuật. Trong phiếu lấy ý kiến, Nhà hát Lớn đặt câu hỏi nên có 1 hay 2 chương trình nghệ thuật với nội dung khác nhau.

Tam tấu đàn Đá - T'rưng “Đêm hội Tây Nguyên”

Bà Trương Thị Thảo - Công ty Du lịch Tia sáng Mê Kông quan ngại về khung giờ 10 giờ 15 - 11 giờ 45 phút “lỡ cỡ” đối với một chương trình nghệ thuật: “Du khách thường chọn thưởng lãm vào buổi tối để thư giãn. Sản phẩm du lịch này còn ngắt quãng, nếu chỉ diễn ra vào thứ 2 và thứ 5 sẽ hạn chế những du khách quốc tế tới xem cũng như khó cho những công ty lữ hành”.

Ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhận định: “Tất cả những ý kiến đều bổ ích, rõ từ thực tế, từ tiếng nói, từ nhu cầu của khách du lịch”.

Ông đề nghị Nhà hát Lớn, Cục Nghệ thuật biểu diễn không ngừng hoàn thiện, thêm lựa chọn về thời gian, chương trình và khẳng định niềm tin “có các sản phẩm du lịch mới lạ”, “Nhà hát Lớn sẽ là một địa chỉ tỏa sáng như mong đợi”.