Làm sao để con, cháu nông dân được làm lãnh đạo?

ANTĐ - Bài phát biểu nhậm chức của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV đã nhận được sự quan tâm, đồng tình của cử tri cả nước, bởi đã “chạm” đến nhiều vấn đề bức xúc của đất nước như phát triển kinh tế bền vững, đầu tư nguồn nhân lực, vấn đề nợ công, môi trường, chính sách tiếp cận đầu tư nước ngoài, bảo vệ chủ quyền… 

Nhưng có thể nói, mọi vấn đề chỉ có thể được giải quyết tốt nhất, khi chúng ta có được những con người tốt nhất, những con người thực sự có tài, có tâm, có tầm. Và ngay trong bài phát biểu của Thủ tướng cũng đã khẳng định tiềm năng lớn nhất của Việt Nam là nguồn nhân lực. “Nhân tài, hiền tài của Việt Nam ở cả trong nước và nước ngoài không thiếu, phải tạo mọi cơ hội để người tài cùng tham gia xây dựng và bảo vệ đất nước… Chúng ta phải làm sao để con cháu của nông dân, công nhân, người nghèo đều có cơ hội học tập, tiến thân, kể cả cơ hội trở thành lãnh đạo của đất nước trong tương lai” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Cũng trong kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa mới, một câu chuyện tuy cũ nhưng vẫn được dư luận quan tâm, đó là câu chuyện con trai của nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương liên tục được bổ nhiệm những vị trí quan trọng trong các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước thuộc quản lý của Bộ Công Thương, dù vị này không có thành tích gì nổi bật. Trước đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có ý kiến chỉ đạo kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự Đảng bộ Công Thương nhiệm kỳ 2010-2015 cũng như cá nhân vị nguyên Bộ trưởng. Rồi câu chuyện ông Trịnh Xuân Thanh, sau khi rời khỏi ghế lãnh đạo Tổng công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí (PVC) đã để lại “di sản” là khoản thua lỗ hơn 3.200 tỷ đồng nhưng vẫn được bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo ở Bộ Công Thương và tỉnh Hậu Giang...

Dư luận rất mong muốn những vụ việc trên được làm rõ, nếu có sai phạm phải xử lý nghiêm để tạo tiền lệ cho việc xử lý những vi phạm tương tự. Bởi xưa nay tình trạng bổ nhiệm “con ông, cháu cha” vào các vị trí “màu mỡ” trong bộ máy hành chính Nhà nước là rất đáng lo ngại. Thế mới có chuyện “cả họ làm lãnh đạo” ở một số địa phương… Việc “chạy” chức, “chạy” quyền phổ biến đến nỗi nhiều người đã đúc kết “Nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn trí tuệ”, thậm chí nhiều người còn cho rằng yếu tố trí tuệ đã “rớt xuống hàng thứ năm, thứ sáu”. Cứ thế, người nọ nhìn người kia, “con cháu anh được xin vào, được bổ nhiệm thì con cháu tôi cũng có suất”, những người không đủ năng lực nhưng lại không chịu phấn đấu và không cần phải phấn đấu vì đã có “ô dù”, vì nghiễm nhiên được xếp vào những vị trí quan trọng. Tất cả những điều đó đã trở thành hòn đá tảng kéo lùi sự phát triển.

Thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về vấn đề con người bao hàm nhiều khía cạnh, nhưng soi vào những vấn đề nổi cộm trong thời gian gần đây, chúng ta hãy lấy đó là cơ hội để chấn chỉnh công tác tổ chức cán bộ trong các cơ quan Nhà nước, lấy lại niềm tin của người dân. Bởi “con cái của nông dân, công nhân, người nghèo” thì chắc chắn không phải là hậu duệ, không có quan hệ, lại càng không có tiền tệ. Bởi vậy, con đường duy nhất để họ được cống hiến, thậm chí trở thành lãnh đạo đất nước như lời Thủ tướng nói, chắc chắn phải là trí tuệ. Đó chính là thứ mà chúng ta cần hôm nay.