Làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nhật Bản: Bùn giảm sâu, độ hòa tan ô xi đạt chuẩn

ANTD.VN - Sau hơn 2 tuần thử nghiệm, khu vực 70 mét vuông sông Tô Lịch được chọn để trình diễn phân hủy bùn hữu cơ sông Tô Lịch thành khí CO2 và nước bằng công nghệ Nhật đã có chuyển biến rõ nét. Bùn giảm chỗ cao nhất lên đến 48 cm, hàm lượng oxy hòa tan trong nước tăng mạnh và đạt 6.67 mg/l.

Nước sông Tô Lịch đoạn được chọn trình diễn phân hủy bùn thành CO2 và nước đã có kết quả tích cực sau hơn 2 tuần triển khai

Các chuyên gia Nhật Bản vừa công bố kết quả thí điểm công nghệ Nano-Bioreactor tại khu vực khoảng 70 m2 được cách ly riêng để trình diễn phân hủy bùn hữu cơ sông Tô Lịch thành khí CO2 và nước.

Từ ngày 17-6, các chuyên gia Nhật Bản đã quây một khu vực sông Tô Lịch (đoạn gần đường Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy) để trình diễn phân hủy bùn thành khí CO2 và nước bằng công nghệ Nano-Bioreactor. Bên trong rào quây, các chuyên gia đặt 4 tấm vật liệu Bioreactor, nước thải cạnh máy Nano liên tục bơm vào tạo dòng chảy lưu thông.

Sau hơn 2 tuần thí điểm, dễ dàng nhận thấy, nước sông trong khu vực trình diễn đã trong hơn, lượng bùn giảm nhiều; không có mùi hôi, ít cặn.

TS Tadashi Yamamura, chuyên gia về môi trường của Nhật Bản cho biết, độ dày lớp bùn trong khu vực trình diễn đã giảm, chỗ cao nhất lên đến 48 cm, hàm lượng oxy hòa tan trong nước (DO) tăng mạnh và đạt 6.67 mg/l. Kết quả cuối cùng sẽ được các đơn vị kiểm nghiệm độc lập tiến hành khách quan và công bố công khai.

Theo chuyên gia Nhật Bản, công nghệ Nano-Bioreator gồm hai yếu tố là máy sục khí Nano tạo ra oxy trực tiếp kích hoạt vi sinh vật; các tấm vật liệu Bioreactor là chất xúc tác, cung cấp giá thể, tạo môi trường sống cho vi sinh vật.

Hai yếu tố kết hợp thúc đẩy quá trình tự làm sạch nước, phân hủy bùn.

Trước đó sáng 16-5, thành phố Hà Nội đã khởi động dự án thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano-Bioreactor. Trong gần một giờ đồng hồ, hàng chục chuyên gia và công nhân đã lắp đặt hai hộp thiết bị xuống đáy sông, đoạn từ ngã tư Bưởi - Hoàng Quốc Việt xuôi về phía Cầu Giấy.

Sau hơn 1 tháng thử nghiệm, ông Nguyễn Tuấn Anh - Chủ tịch HĐQT Công ty cải thiện môi trường Nhật -Việt (đơn vị triển khai công nghệ Nano-Bioreactor) thông tin, sau thời gian thử nghiệm, công nghệ này đã của bùn đã giảm từ 15-20 cm, nồng độ khí độc hydro sunfua (H2S), khí amoniac (NH3) gây mùi hôi thối cũng giảm hẳn.

Trung tâm Chất lượng và Bảo vệ tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên Môi trường) cho biết, kết quả test nhanh cho thấy thấy nước ở khu vực đặt máy xử lý theo công nghệ Nhật Bản đã được cải thiện, nồng độ oxy hòa tan trong nước (DO) cao hơn khu vực chưa xử lý; nước sông trong hơn và giảm độ cặn lơ lửng.

Đây là dự án thử nghiệm được người dân đặc biệt quan tâm. Qua theo dõi, người dân đánh giá, phương án này bước đầu có hiệu quả, nước sông Tô Lịch đã giảm nhiều mùi hôi thối.

“Chúng tôi rất mong những cơ quan kiểm định sớm công bố kết quả xét nghiệm kỹ để TP xem xét hiệu quả. Kết quả mà dân nhìn thấy rõ rất đáng để hi vọng”, bà Nguyễn Hoàng Lan (60 tuổi, trú tại Hoàng Quốc Việt) bày tỏ.