"Làm sạch" những dòng sông

ANTD.VN - Trong thời gian qua đã có rất nhiều kế hoạch, chuyên đề được các lực lượng chức năng xây dựng, triển khai, song vi phạm và cả tội phạm ở 15 tuyến sông lớn, nhỏ với tổng chiều dài gần 500km chảy qua địa bàn TP Hà Nội vẫn “nóng”. Phổ biến nhất trong đó là hoạt động khai thác, nạo vét cát ở lòng sông, tình trạng bến bãi lấn chiếm, đe dọa an toàn hành lang dòng sông, bờ vở.

Theo tổng kết của cơ quan chức năng, năm 2018, tình hình vi phạm pháp luật về hoạt động khai thác tài nguyên cát trên các tuyến sông thuộc địa bàn Hà Nội bước đầu đã được kiểm soát và ngăn chặn có hiệu quả; số vụ việc khai thác cát trái phép giảm so với năm 2017, tuy nhiên, vẫn còn trên dưới 160 trường hợp vi phạm bị phát hiện, xử lý.

Bến bãi tự phát ngang nhiên tồn tại và hoạt động dưới dạng được chính quyền cơ sở… cho thuê đất. Có rất nhiều cái “không” ở những tụ điểm này: không nằm trong quy hoạch, không có cam kết - kế hoạch bảo vệ môi trường; hoạt động không đảm bảo an toàn cho tuyến đê. Tương tự, “cát tặc” hoạt động khai thác gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng chảy, gây sạt lở đê điều, đất canh tác; hoạt động phức tạp ở các vùng giáp ranh, trong đêm tối.

Bức xúc và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây nguy hiểm đối với môi trường, cộng đồng, cuộc sống người dân như vậy, nhưng vì sao “cát tặc” cùng những bến bãi tự phát, sai phép vẫn tồn tại dai dẳng? Có thể khẳng định ngay rằng, tất cả vì lợi nhuận, vì đồng tiền!

“Cao điểm xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, tập kết bến bãi, kinh doanh cát, sỏi trên địa bàn TP Hà Nội” là kế hoạch được Trung tướng Đoàn Duy Khương - Giám đốc CATP Hà Nội ký ban hành ngày 2-5-2019 và quán triệt đến toàn lực lượng Công an Thủ đô có thể xem là sự thể hiện quyết tâm, là việc “nói không” với những vi phạm, tội phạm trên các tuyến sông, nhất là tình trạng khai thác cát trái phép và bến bãi “mọc” trái quy định pháp luật. “Điểm nhấn” đầu tiên ở quyết tâm lớn này là sự nghiêm túc và hết sức thẳng thắn khi chỉ ra rằng: kết quả công tác đấu tranh, xử lý thời gian qua còn hạn chế; công tác phối kết hợp giữa các lực lượng, các đơn vị quản lý, giám sát còn nhiều lỏng lẻo, nhiều kẽ hở khiến các đối tượng lợi dụng vi phạm. Một số địa bàn xuất hiện các đối tượng có dấu hiệu “bảo kê” cho việc khai thác, hoạt động bến, bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng…

Quyết tâm và sự thẳng thắn, rõ ràng trong chủ trương, chỉ đạo chính là động lực, là mệnh lệnh để lực lượng Công an Thủ đô triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ “Làm sạch những dòng sông”. Vấn đề quan trọng khác là sự rõ ràng, làm thật tốt trách nhiệm và nâng cao hiệu quả công tác phối hợp. Tốt từ công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình, phát động người dân tố giác vi phạm, tội phạm. Tiếp nữa, khi có thông tin, khi phát hiện các vấn đề, tình hình liên quan đến công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên, khoáng sản, cần sự vào cuộc xác minh, xử lý thật đồng bộ. Nhất định không để trống các tuyến, điểm, địa bàn khiến “cát tặc”, bến bãi có thể lợi dụng hoạt động, tồn tại. Dứt khoát không để những tin báo, những phản ánh rơi vào vùng im lặng.

Từ yêu cầu, mệnh lệnh của Giám đốc CATP, các phòng nghiệp vụ CATP, các địa bàn có tuyến sông chảy qua, nhất là những nơi tồn tại hoạt động khai thác cát trái phép, bến bãi tự phát... sẽ chủ động xây dựng kế hoạch sát thực tế, phù hợp đặc thù địa bàn, công việc. Trong đó, yêu cầu chung là rõ ràng, trọn vẹn trách nhiệm của chính đơn vị mình và thực hiện tốt yêu cầu, đề nghị phối hợp của các đơn vị bạn trước các hoạt động, biểu hiện vi phạm trên sông. 

Đã thấy được một thái độ hết sức rõ ràng và kiên quyết, song điều quan trọng đối với các ngành, các lực lượng chức năng và chính quyền cơ sở là đừng xem trách nhiệm “làm sạch những dòng sông” thuộc riêng ngành công an. Có vậy, những dòng sông mới thực sự “sạch”.