Làm rõ vụ máy xét nghiệm chạy chậm bất thường

ANTĐ - Liên quan đến vụ trang thiết bị y tế kém chất lượng tuồn vào bệnh viện tuyến huyện của Hà Nội, đặc biệt thông tin về máy Greiner GA 240 mà Bệnh viện Đa khoa Thường Tín được cấp cho ra kết quả không ổn định, Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế - Bộ Y tế đang kiểm tra, làm rõ vụ việc này.

Sở Y tế Hà Nội đang tiếp tục kiểm tra tại các bệnh viện

Trao đổi với báo chí, ông Trịnh Đức Nam, chuyên viên Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế cho biết, về nguyên tắc để vận hành được máy sinh hóa theo đúng công suất ghi trên máy cần nhiều yếu tố và thực tế khó đạt được điều đó. Tuy nhiên với những thông tin về máy xét nghiệm sinh hóa tự động Greiner GA 240 mà Bệnh viện Đa khoa Thường Tín được Sở Y tế Hà Nội cấp theo gói thầu 04 của Sở, kết quả sai số là quá cao so với chuẩn. Cụ thể, máy có công suất 180 kết quả/giờ nhưng thực tế vận hành chỉ cho ra 30 kết quả sau 2 tiếng rưỡi. Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế đang tiến hành kiểm tra làm rõ công suất này có nguyên nhân do máy kém chất lượng hay do người sử dụng. Nếu thực sự do chất lượng máy thì vấn đề rất nghiêm trọng bởi không chỉ là chuyện cung cấp máy mà nó còn ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm, kết quả khám chữa bệnh của người bệnh.

Ông Trịnh Đức Nam cho biết thêm, pháp luật hiện nay mới chỉ cấm nhập trang thiết bị y tế đã qua sử dụng, chưa có quy định nào về vấn đề nhập khẩu máy móc thiết bị y tế liên quan đến “đời máy” hay quá cũ thì không được nhập. Thực tế thời gian qua một số đơn vị đã lợi dụng kẽ hở của pháp luật để nhập máy còn mới nhưng đã lạc hậu, đời cũ, thậm chí biến máy đã qua sử dụng thành máy mới. Vì vậy, thời gian gần đây Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế đã có một loạt biện pháp rà soát, chấn chỉnh thực trạng này, trong đó có việc bắt buộc đưa thêm năm sản xuất của trang thiết bị y tế vào làm yếu tố quyết định cấp giấy phép nhập khẩu. Cụ thể, tại thời điểm này chỉ chấp nhận các máy y tế nhập khẩu có năm sản xuất là  2013, 2014; trừ một số sản phẩm mang tính đặc thù, số lượng bán không nhiều, gồm nhiều bộ phận, sản xuất tại nhiều nơi khác nhau. 

Mặt khác, để tránh việc doanh nghiệp “lách luật”, nhập khẩu các trang thiết bị y tế đã bị ngừng sản xuất từ lâu, Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế đã có công văn gửi các hãng thiết bị lớn đề nghị thông báo những loại máy đã ngừng sản xuất để Vụ đối chiếu, kiểm tra khi có hồ sơ đề nghị nhập khẩu. 

Liên quan đến vấn đề Bệnh viện Đa khoa Thường Tín mượn máy xét nghiệm sinh hóa tự động nhãn hiệu Hitachi 717 của một công ty bên ngoài sau khi máy xét nghiệm của bệnh viện được cấp bị hỏng, ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, Sở đã có quy định nghiêm cấm các đơn vị tự động tiếp nhận, sử dụng các trang thiết bị y tế đã qua sử dụng hoặc mượn máy mà không lập đề án và báo cáo Sở Y tế. Trong trường hợp máy được cấp bị hỏng, bệnh viện phải báo cáo để Sở Y tế điều động máy khác. Tuy nhiên, phía Bệnh viện Thường Tín đã phớt lờ quy định này. Đáng ngại hơn khi chiếc máy Hitachi 717 mà Bệnh viện Thường Tín đi mượn là dòng thiết bị cũ của Nhật Bản đã được dừng sản xuất nhiều năm nay.