Làm rõ căn cứ thu hồi đất

ANTĐ - Nhiều ý kiến từ Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị làm rõ căn cứ quy định thu hồi đất vào mục đích lợi ích công cộng và phát triển kinh tế - xã hội trong Luật Đất đai (sửa đổi).

Cần thu hồi đất những dự án “treo”, tránh lãng phí

(Trong ảnh: Người dân trồng rau trên đất một dự án “treo” ở đường Phạm Hùng, Hà Nội)

Trong báo cáo thẩm tra dự án Luật Đất đai (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày sáng qua 29-10, có nêu lên một số ý kiến đề nghị làm rõ căn cứ quy định thu hồi đất vào mục đích lợi ích công cộng và phát triển kinh tế - xã hội. Bởi Hiến pháp 1992 quy định: “Trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích Quốc gia, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân hoặc tổ chức theo thời giá thị trường”.

Theo ông Nguyễn Văn Giàu, đa số ý kiến của các thành viên trong Ủy ban đều tán thành quy định Nhà nước chủ động thu hồi đất theo kế hoạch sử dụng đất hàng năm đã được phê duyệt và tán thành, nhất là để sử dụng vào các mục đích quốc phòng, an ninh, phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, cần cân nhắc đến tính khả thi của dự án bao gồm cả kinh phí cho bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thời gian bắt đầu thực hiện dự án. Thu hồi đất theo kế hoạch nhưng chậm đưa vào sử dụng sẽ dẫn đến lãng phí đất đai, nhất là các công trình cơ sở hạ tầng có thời gian thực hiện kéo dài nhiều năm. Do đó, cần căn cứ vào tiến độ triển khai dự án, yêu cầu sử dụng đến đâu thu hồi đến đó để tránh lãng phí đất đai. 

Một số ý kiến tán thành quy định các dự án sản xuất kinh doanh phù hợp với quy hoạch sử dụng đất thì hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất được chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất với nhà đầu tư. Cũng có ý kiến đề nghị không cho phép nhà đầu tư nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án vì phát sinh chênh lệch giá đền bù dẫn đến so bì và dễ xảy ra khiếu kiện trong nhân dân. Các thành viên Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị quy định chặt chẽ việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất phải đảm bảo dân chủ, công khai, khách quan, công bằng và đúng pháp luật. Người sử dụng đất được bồi thường theo mục đích đang sử dụng hợp pháp. Người có đất bị thu hồi được hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm, tổ chức lại sản xuất, đảm bảo đời sống.

Cùng với vấn đề thu hồi đất, Luật Đất đai (sửa đổi) còn rất nhiều vấn đề mới so với Luật Đất đai năm 2003 như: Quyền của Nhà nước và trách nhiệm quản lý đối với đất đai; quy hoạch sử dụng đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất; tài chính đất đai và giá đất, theo đó, bổ sung một số trường hợp được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, sửa đổi nguyên tắc về định giá đất theo 2 phương án; hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai; chế độ sử dụng các loại đất;  quyền của người sử dụng đất phù hợp với hình thức sử dụng và nghĩa vụ tài chính...

Cũng trong phiên làm việc sáng qua, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng cũng đã đọc tờ trình về Luật Phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, Luật Hòa giải cơ sở, Luật Giáo dục quốc phòng an ninh. Một nội dung quan trọng cũng được trình bày trong sáng qua là Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và tờ trình dự thảo Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày.

Cần công khai quy hoạch 

Luật Đất đai sửa đổi cần quy định cụ thể, chi tiết về những trường hợp được giao đất, điều kiện người sử dụng đất được cấp giấy chứng nhận. Có thể nói các quy định của Luật Đất đai hiện hành còn khá phức tạp và không giải quyết được hết các trường hợp tranh chấp đất đai phát sinh trên thực tế. Quyền sử dụng đất là quyền tài sản lớn và quan trọng đối với người dân nhưng để có “quyền” này, họ phải mất nhiều thời gian và công sức mới được cấp giấy chứng nhận. Do đó, trình tự thủ tục cấp giấy chứng nhận cần phải được cụ thể hóa trong luật.

Ngoài ra, Luật Đất đai cũng cần quy định rõ về thẩm quyền quy hoạch sử dụng đất, công khai quy hoạch và người dân có quyền có ý kiến về quy hoạch sử dụng đất có liên quan đến quyền sử dụng đất của mình, không thể để trình trạng quy hoạch “treo”. 

Luật sư Hoàng Huy Được - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội