Làm quen với sự cô đơn

ANTĐ - Được ở với con cháu và được chăm sóc là điều hạnh phúc nhất của người cao tuổi. Nhưng không phải ai cũng có điều kiện như vậy. Mặt khác, mỗi người đều có cách sống, sở thích khác nhau...

Cái đáng sợ nhất của con người là sự cô đơn. Khi về già phải sống trong cô đơn, nghèo khổ, bệnh tật là điều bất hạnh. Ở một mình, ốm nặng (chứ không phải cảm cúm xoàng xoàng), khi bất trắc, rủi ro cần có người giúp nhưng bên cạnh chẳng có ai... hoảng hồn, lo lắng là điều đương nhiên. Có lúc ta thích sống yên tĩnh, ta đã chọn cách sống một mình. Nhưng rồi, có lúc, ta phải than thở vì sự hiu quạnh đè nặng. Nếu thượng đế ban cho ta sức khỏe thì sống một mình đâu có khó khăn nhưng quy luật sinh, lão, bệnh, tử ai cũng phải trải qua cho nên tự lo cho mình lúc xế chiều đơn chiếc là điều cần thiết.

Có biết bao nhiêu cảnh cô đơn mà con người phải chịu đựng. Ngay từ khi còn nhỏ con người đã phải làm quen với việc chơi một mình. Những nơi không có nhà trẻ, cha mẹ phải đi kiếm sống có khi phải nhốt con ở nhà, hoặc để đứa lớn trông đứa bé. Khi mất vợ hoặc mất chồng, con người bị lẻ loi, con cái cũng bơ vơ. Nhưng nếu còn trẻ và khỏe người ta vẫn có thể giải quyết được. Chỉ khi già nua, bệnh tật, cái cô đơn thật khó giải?

Những người dân Á Đông có truyền thống "Trẻ cậy cha, già cậy con" và tâm lý chung là muốn có con trai để nhờ cậy về già và hương hỏa cho tổ tiên. Thực tế hiện nay những người có con trai an tâm hơn là người chỉ có con gái, vì về già họ thường sống cùng con trai và các cháu. Trong khi những người có con gái, dù con rất ngoan, con rể cũng có hiếu nhưng tâm lý đàn ông muốn làm chủ, tự do, không phụ thuộc nên phần lớn con rể không muốn ở nhà vợ. Nhiều gia đình trẻ thuê nhà riêng để ở dù nhà vợ rất rộng và có điều kiện để ở rể nhưng những chàng rể lại không muốn nên các cô vợ đành phải theo chồng cho dù người mẹ hoặc người bố già cô đơn. Không thể trách con được vì họ đã trưởng thành, họ muốn có cuộc sống độc lập.

Cho nên các bậc cha mẹ cần xác định cho mình những hoàn cảnh xấu nhất có thể xảy ra là phải sống một mình không có con cháu bên cạnh khi tuổi già đến.

Đối với người phương Tây, hoàn cảnh như trên là phổ biến, thậm chí các bậc cha mẹ thích sống như vậy, giữ cuộc sống độc lập và tự do của chính bản thân mình. Tôi có gặp một giáo sư gốc Anh quốc tịch Úc làm việc tại Úc, ông và người vợ của mình thống nhất là không đẻ con. Không phải vì họ không yêu trẻ con nhưng họ có cách suy nghĩ riêng. Khi nói chuyện với tôi ông giáo sư rất hay hỏi về cháu của tôi, ông rất thích trẻ con, nhưng ông nói, chúng tôi còn nhiều việc phải làm lắm, có con trẻ chúng sẽ khổ vì ít được cha mẹ chăm sóc thường xuyên. Khi ông sang Việt Nam thì vợ ông đang ở Malaisia. Họ đi khắp thế giới và tiếp xúc với nhiều trẻ thơ nhưng họ không có điểu kiện để đẻ con và nuôi con của họ vì không có thời gian. Tôi có hỏi, khi về già sẽ sống như thế nào thì ông trả lời, xem bà vợ có thay đổi suy nghĩ không, nếu thay đổi thì họ sẽ nuôi con nuôi khi không còn sinh nở được nữa.

Với những nước phát triển có phúc lợi xã hội lớn thì người già thường ít phải lo hơn về mặt kinh tế. Nhưng nỗi cô đơn là sự bất hạnh của tuổi già thì ở đâu cũng như nhau. Vì thế xác định được cách sống khi về già là điều rất cần thiết. Ngay bản thân tôi có hai con gái đã có chồng, có con, chồng tôi đã mất cách đây gần hai mươi năm. Khi con thứ nhất đi lây chồng sang ở nhà chồng tôi đã bị hẫng hụt. Đến khi đứa thứ hai đi học ở Úc, đúng lúc tôi về hưu làm cho tôi bị sốc nặng. Tôi đã đi tiễn cháu, đến thành phố Hồ Chí Minh rồi quay ra. Sáu tháng liền sống một mình tôi không thể ngủ được, phải dùng thuốc ngủ và lo cho tuổi già đang sầm sập tới.

Ảnh minh họa

Đến khi sáng Úc thăm con, được tiếp xúc với nhiều người Úc cao tuổi, đi thăm một số nhà an dưỡng của họ và nói chuyện với những người con của họ, tôi mới thấy rõ một điều, người Úc sống rất độc lập. Con cái của người Úc cũng rất có hiểu với cha mẹ, họ luôn luôn trao đổi với cha mẹ cách làm cho cuộc sống của cha mẹ thuận lợi nhất khi cha mẹ đến tuổi già. Ngược lại các bậc cha mẹ cũng giúp con cháu cách giải quyết tốt nhất để con cháu vừa chăm được cha mẹ vừa lo cho cuộc sống của gia đình và sự nghiệp của mình. Cả hai bên! cha mẹ và con đều nỗ lực tuyệt vời.

Vừa trao đổi với họ vừa tìm sách đọc thêm để hiểu về cuộc sống của người già, tôi rất tâm đắc với cuốn sách Luyện tinh thần của ông Nguyễn Hiến Lê viết. Ông viện dẫn rất nhiều cách sống tích cực của người già ở các nước. Ông có nêu quan niệm của một nhà tâm lý học, theo bà, yêu con không có nghĩa là bắt con phải ở với mình mà yêu con là phải tạo điều kiện cho con phát huy hết khả năng của mình để giúp cho cuộc sống của nó ngày càng tốt hơn. Bà nói, việc xác định cho mình một mục đích sống có ích ngay cả khi về già là hãy tìm cho mình một việc làm gì đó, vừa tăng thêm nguồn thu nhập vừa cảm thấy mình có ích cho bản thân và xã hội.

Hoàn cảnh cô đơn là do số phận và cũng do mình tạo ra khi không vượt được những khó khăn của cảnh đi bước nữa. Dù sống một mình nhưng ta cần cố gắng ăn, ở, tập luyện thường xuyên, chu đáo với cuộc sống độc thân, đọc sách, viết lách, làm việc mình yêu thích nếu có thể, thăm hỏi bạn bè, người thân... khi buồn không đi chơi được thì gọi điện thoại cho những người thân thiết. Lúc ốm đau thì nhờ con cháu, người thân giúp đỡ. Còn khỏe hoặc chưa đến mức phải có người thường xuyên chăm sóc thì bản thân phải tự chăm sóc mình, không phụ thuộc, kêu ca làm phiền con cháu.

Được ở với con cháu và được con cháu chăm sóc là điều hạnh phúc nhất của người cao tuổi. Nhưng không phải ai cũng có điều kiện như vậy. Mặt khác, mỗi người đều có cách sống ý thích, sở thích khác nhau nên có khi sống chung cũng không hợp nhau, sinh ra mâu thuẫn. Có những gia đình có nhiều thế hệ cùng chung sống không hòa giải được mâu thuẫn xảy ra xung đột khiến cho người trong cuộc vừa buồn vừa bực. Con cháu chúng ta cũng thích sống độc lập, ta nên tôn trọng chúng. Khi chúng ta không thể tự chăm sóc được bản thân thì hãy cùng con cháu tìm ra hướng giải quyết tốt nhất để con cháu khỏi mang tiếng bất hiếu.

Việt Nam cần thực thi nhiều dự án xây dựng nhà dưỡng lão có chất lượng cao theo kiểu những nhà biệt thự, liền kề nhau, trong những khu đất đẹp, thuận lợi cho sinh hoạt của người cao tuổi để bán cho những người có điều kiện vật chất cao mua ở để các con có điểu kiện chăm sóc vào những ngày nghỉ cuối tuần. Nhà dưỡng lão phải được xây dựng trong khuôn viên đẹp, nhiều cây cối, hoa lá, có nơi sinh hoạt cộng đồng phong phú, có phòng đọc sách, bể bơi, nơi tập thể thao, nơi hát, múa, nơi hội họp chung để sinh hoạt văn hóa, trào đổi, tâm tĩnh giữa các nhóm sở thích của người cao tuổi. Sinh hoạt văn hóa phong phú đáp ứng nhu cầu của người cao tuổi sẽ tạo dựng cuộc sống tốt đẹp và lành mạnh khiến cho các cụ yêu đời, khỏe mạnh hơn.

Các tổ chức xã hội và nhà nước nên tổ chức các lớp đào tạo những người chuyên chăm sóc người già và tổ chức chăm sóc người già ở nhà dưỡng lão như ở các quốc gia phát triển, liên tục 24/24 giờ, khi có sự cố về sức khỏe các cụ được chữa trị nhanh chóng, con cháu họ yên tâm. Kinh phí do chính gia đình những người già đóng góp.

Đối với những người già cô đơn, không nơi nương tựa và quá nghèo khó, nhà nước xây nhà dưỡng lão đón các cụ về ở nhưng đảm bảo cho cuộc sống của các cụ vui vẻ, được chăm sóc chu đáo. Nhà nước vận động những nhà tài trợ hảo tâm đầu tư vào lĩnh vực này. Nên chăng, nhà nước có chính sách giảm thuế hoặc không thu thuế đất, thu thuế thu nhập đối với những doanh nhân đầu tư vào xây dựng nhà dưỡng lão và kinh doanh theo đúng qui định của pháp luật trong lĩnh vực này. Đồng thời xã hội hóa việc giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, nhân rộng chương trình Nối vòng tay lớn ở nhiều nơi tạo ý thức chia sẻ, cảm thông với người già trong cộng đồng.

Càng ngày áp lực cuộc sống càng đè nặng vào giới trẻ, gánh nặng của gia đình đổ cả vào họ e rằng qua tải. việt Nam là một quốc gia trẻ nhưng tương lai số người già ngay càng tăng, vì thế chúng ta cần có chiến lược chăm lo cuộc sống của người già một cách có hệ thống và toàn diện hơn.

Cuộc sống của mỗi con người luôn luôn phát triển theo quy luật sinh, lão, bệnh, tử, lo cho hiện tại tức là lo cho tương lai. Việc tổ chức cuộc sống cho người già chu đáo là thể hiện tính Ưu việt của một chế độ xã hội, vì cuộc  sống của người già tốt đẹp là thước đo của một xã hội tốt đẹp.