Làm ơn, đừng "cho tồn tại" những dự án trên trời

ANTĐ - Dự án công trình nhạc nước trên hồ Tam Bạc được UBND thành phố Hải Phòng phê duyệt có mức đầu tư lên tới hơn 200 tỷ đồng, Sở VH-TT&DL được giao làm chủ đầu tư.

Công trình nhạc nước trên hồ Tam Bạc đang xuống cấp dù chưa được nghiệm thu

Dù ngay từ khi mới hình thành vào năm 2012 đã vấp phải sự e dè của các ngành chức năng liên quan bởi mức kinh phí đầu tư quá lớn, trong khi hiệu quả khai thác còn nhiều băn khoăn do vị trí và thiết kế có nhiều điểm không hợp lý.

Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà bỏ qua tất cả, dự án vẫn được quyết ngay vào năm 2012. Sau nhiều lần bị hoãn do kinh tế suy thoái, đến cuối 2014, dự án nhạc nước được tái khởi động với mục đích hướng tới chào mừng kỷ niệm 60 năm ngày giải phóng Hải Phòng. Dàn nhạc nước ngay khi ra mắt đã khiến người dân bức xúc và làm nóng nhiều cuộc họp.

Từ lần thử nghiệm gây thất vọng lần đầu tiên vào giữa năm 2015 cùng với nhiều lần chạy thử nghiệm, hiệu chỉnh, đến nay, công trình vẫn chưa được bàn giao và khối sắt thép, dây điện, tre gỗ... hoen gỉ, xập xệ vẫn nằm chình ình giữa lòng hồ Tam Bạc. Chưa bàn đến việc có hay không lợi ích nhóm trong công trình này, nhưng có một điều rõ ràng là công trình gây lãng phí quá lớn cho ngân sách Nhà nước.

Mới đây, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng cũng đã đưa ra kết luận về những vi phạm của các cá nhân liên quan đến dự án này, đồng thời yêu cầu tiến hành quy trình xem xét xử lý kỷ luật đối với nguyên Bí thư Hải Phòng Dương Anh Điền, Phó Chủ tịch thành phố Hải Phòng Lê Khắc Nam.

Tuy nhiên, sự việc này một lần nữa khiến dư luận bức xúc vì tình trạng lãng phí trong đầu tư công ở nước ta. Hầu như ở địa phương nào cũng có những công trình hoành tráng, quy mô hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng, nhưng khi xây dựng xong thì bỏ hoang hoặc ít phát huy hiệu quả trong đời sống. Dù vậy, năm này qua năm khác, dù kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, ngân sách Nhà nước đang phải oằn mình trả nợ, thì nhiều địa phương vẫn “mạnh dạn” xin kinh phí cho những dự án khổng lồ như tượng đài, bảo tàng, trung tâm hành chính...

Vì sao lại xảy ra tình trạng này? Ngoài do buông lỏng trong quản lý, giám sát, phê duyệt các công trình, dự án thì một nguyên nhân quan trọng khác là chúng ta còn chưa quy trách nhiệm và xử lý triệt để những cá nhân vi phạm.

Hầu như chưa có cá nhân, tổ chức nào bị xử lý pháp luật vì tham mưu, đề xuất, phê duyệt, quyết định đầu tư công trình gây lãng phí. Những cá nhân liên quan, cùng lắm chỉ bị xử lý kỷ luật qua loa, còn lại cuối cùng, ngân sách Nhà nước, nói đúng hơn là tiền mồ hôi của nhân dân vẫn bị tiêu tốn một cách vô bổ, không những thế còn để lại những món nợ khổng lồ cho thế hệ tương lai.

Đã đến lúc cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ nguồn chi ngân sách, đi kèm đó là phải kiên quyết xử lý trách nhiệm đối với những cá nhân, tổ chức trong việc tham mưu, đề xuất và phê duyệt, quyết định đầu tư các công trình không phù hợp gây lãng phí. Đặc biệt, cần nghiêm túc xem xét có dấu hiệu tham ô, tư túi, lợi ích nhóm trong mỗi công trình hay không để xử lý thích đáng, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự.

Có như vậy, mới ngăn chặn được tình trạng những người có thẩm quyền cứ vô tư phê duyệt, quyết định đầu tư xây dựng công trình, dự án trên trời. Bởi, việc cấp phép một cách dễ dãi, tùy tiện, cùng với việc buông lỏng quản lý, giám sát sẽ nảy sinh rất nhiều vấn đề đáng lo ngại cho sự phát triển bền vững của đất nước. Đây là một vấn đề kinh tế - xã hội - dân sinh không thể xem thường. Dân mong lắm các nhà lãnh đạo đừng “cho tồn tại” những dự án trên trời.