Làm người tử tế, khó thế!

ANTĐ - Ông có để ý thấy mấy năm gần đây, trong các kỳ thi đại học, cao đẳng, “ông Bộ” Giáo dục thường chuộng ra đề thi “mở” cho thí sinh môn Văn không?

- Dạy Văn, học Văn, chung quy cũng là hướng thế hệ trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước trở thành người tử tế, có ích cho gia đình và xã hội. 

- Chính vì thế, đề thi ngày càng “mở” mang tính nghị luận, xã hội. Năm 2011, đề thi Văn bàn về sự biết xấu hổ, về đạo đức giả. 

- Ngay kỳ thi cao đẳng mới đây, thí sinh cũng được dịp luận bàn về người tử tế và kẻ ti tiện.

- Nhiều giáo viên khi chấm thi, đọc bài văn của nhiều thí sinh cũng cảm thấy “choáng” vì đa số làm bài tốt và rất tốt, không ít bài đạt điểm 8, 9.

- Hẳn nhiên là chuyện đáng mừng vì học sinh không còn bị “nhồi nhét” như gà vịt bài văn mẫu, rồi nói ra cứ như vẹt, thế nhưng…

- Nhưng cái nỗi gì? Đầu còn xanh mà đã biết tỏ thái độ rõ ràng giữa tử tế và ti tiện, tự hào và xấu hổ, cơ hội và chân chính…

- Thế nhưng, tôi e rằng, những lời lẽ lập luận dù rất “văn hay chữ tốt” thì cũng chỉ nằm… trên giấy. Còn trong cuộc sống, muốn trở thành người tử tế, khó lắm. 

- Khó thì mới phải dạy con trẻ trở thành người tử tế. Chứ dối trá, đạo đức giả, tham lam, cơ hội, ti tiện thì có trường lớp nào “dạy” đâu. 

- Ngẫm ra, làm người tử tế, quả thật không dễ. Tự soi mình cũng thấy may ra mới chỉ tử tế được một phần ba cuộc đời thôi.