Làm kè sinh thái cứu cả ngôi làng

ANTD.VN - Những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, thiên tai đang khiến cho nhiều điểm du lịch ở Việt Nam đứng trước nguy cơ bị xóa sổ. Một trong số đó là làng Triêm Tây, xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, Quảng Nam - nằm cách trung tâm di sản Hội An 5km. Nếu không có sự tận tâm của kiến trúc sư Việt kiều Pháp Bùi Kiến Quốc thì ngôi làng này sẽ vĩnh viễn biến mất trên bản đồ du lịch.  

Kiến trúc sư Bùi Kiến Quốc

Hồi sinh “ngôi làng chết”

Từ nhiều năm trở lại đây, nhà vườn Triêm Tây, xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn - “ốc đảo xanh” nằm bên bờ sông Thu Bồn, cách không xa đô thị cổ Hội An luôn đối mặt với nỗi lo một ngày nào đó sẽ biến mất giữa sông nước mênh mông, bởi nguy cơ sạt lở nặng nề. Năm 2009, khoảng 2/3 làng Triêm Tây đã rơi xuống sông.

Tháng 10 năm đó, Quảng Nam hứng chịu trận “đại hồng thủy” gây thiệt hại nặng nề. Triêm Tây lúc đó tưởng chừng như một “ngôi làng chết”, người dân buộc phải di dời khỏi mảnh đất tổ tiên họ để lại. 

Lúc này, KTS Bùi Kiến Quốc - Viện Hàn lâm kiến trúc quốc gia Pháp đã đề xuất một ý tưởng nghe qua rất táo bạo nhưng cũng rất “bình dân” - đó là chống sạt lở bằng mô hình kè sinh thái. Thay vì dùng kè cứng, tốn nhiều chi phí mà vẫn có nguy cơ nứt gãy, phá hủy cảnh quan thì dự án này sử dụng kè sinh thái, bằng cách kết hợp giữa vật liệu tự nhiên hữu cơ, cát, cỏ và nước để bảo vệ bụi tre ven bờ.

Làng Triêm Tây trước khi có kè sinh thái

Phương án này được cho là giúp tăng độ che phủ, bảo tồn cảnh quan vốn có của vùng sông nước, đồng thời thúc đẩy việc phát triển ngành nghề tre truyền thống nhờ giữ lại những bụi tre ven bờ. Không sử dụng máy móc, thiết bị cồng kềnh, tốn kém, nhưng chỉ trong một thời gian, dự án đã kè thành công 180m bờ sông Thu Bồn, ngăn chặn tình trạng sạt lở đe dọa cuộc sống của 100 hộ dân. 

Làng Triêm Tây sau khi có kè sinh thái

Sau 5 năm, dự án của KTS Bùi Kiến Quốc đã chứng minh được hiệu quả trông thấy khi bảo vệ làng Triêm Tây đứng vững trước 2 cơn lũ và 1 trận bão kỷ lục. Phải kể đến trong đó là cơn bão Nari năm 2013 tàn phá dữ dội các tỉnh duyên hải miền Trung. Người dân yên tâm trở về làng quê, tăng gia sản xuất. Làng Triêm Tây từ nguy cơ biến mất trên bản đồ Hội An, dần dần hồi sinh với các dự án du lịch sinh thái và cộng đồng mang tính bền vững.

Làng thuần nông cất cánh

Bùi Kiến Quốc sinh năm 1945 tại Quảng Nam, rời Việt Nam từ năm 7 tuổi sang Pháp theo đuổi ngành kiến trúc. Năm 1991, ông được bầu vào Viện Kiến trúc sư Pháp. Đến năm 1996, ông quyết định trở về tham gia vào các dự án bảo vệ làng quê Việt, vì ông thấy được sự cần thiết phải giữ gìn những giá trị thuộc về truyền thống của đất nước. Ông từng tham gia nhiều dự án như làng cộng đồng Cẩm Thanh, làng Trùng Phước… trước khi giúp hồi sinh làng Triêm Tây.

Ông tâm sự: “Người dân làng Triêm Tây từ trước đến nay chỉ sống bằng nghề nông, ngoài ra thì thêm một số nghề như thợ mộc, thợ nề và làm chiếu. Khi giải quyết được vấn đề sạt lở thì có 2 hiệu quả. Một là làng còn, nghề còn, hai là phát triển dịch vụ du lịch”. 

Quả đúng như vậy, chẳng những giữ được đất, bảo vệ cuộc sống của người dân, giờ đây Triêm Tây ngày càng thay da đổi thịt. Các ngôi nhà trong làng được bảo tồn, tôn tạo theo mô hình làng truyền thống với sườn tre, lợp tranh, vách gỗ, tạo ra quang cảnh làng quê xanh mướt, gần gũi với thiên nhiên.

Khu du lịch nhà vườn Triêm Tây với kiến trúc độc đáo trở thành điểm du lịch sinh thái thu hút du khách. Một hợp tác xã du lịch với những làng nghề truyền thống như làng chiếu chẻ Triêm Tây, làng đồng Phước Kiều… được hình thành. Từ Triêm Tây, du khách cũng dễ dàng kết nối với các điểm du lịch nổi tiếng như phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn…  

Nhìn lại công trình kè sinh thái tại làng Triêm Tây, KTS Bùi Kiến Quốc trải lòng: “Tôi chỉ quan niệm rằng, bờ biển Cửa Đại bao nhiêu năm ổn định, không có cớ gì bỗng dưng sạt lở nghiêm trọng như vậy. Đành rằng thiên nhiên có tác động lớn nhưng chính bàn tay con người cũng đang góp phần tàn phá rất nhanh. Nếu chúng ta không làm gì chẳng phải chúng sẽ biến mất hay sao? Với tôi, làng Triêm Tây đẹp lắm, tôi không nỡ nhìn nó vì bất cứ lý do gì mà bị hủy hoại”.