Làm hỏng di tích vì “cám dỗ”

ANTĐ - Sáng 26-8, Bộ VH-TT&DL đã tổ chức cuộc họp báo thường kỳ về các vấn đề văn hóa, thể thao, du lịch. Cuộc họp “nóng” ngay từ những phút đầu tiên bởi nhiều câu hỏi xoáy vào việc di dời sư tử đá tại các cơ sở tín ngưỡng và cả năng lực của cán bộ quản lý di sản. Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn chủ trì cuộc họp báo.

Dư luận không thể hài lòng với cách quản lý di tích hiện nay 
(Trong ảnh: Sư tử đá kiểu Trung Quốc phía ngoài cổng Chùa Cót, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy)

Chủ trương thì đúng, nhưng…

Trước câu hỏi của Báo An ninh Thủ đô xung quanh việc “có cần thiết phân cấp quản lý di sản hay không”, ông Nông Quốc Thành - Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa nói: “Trách nhiệm của UBND cấp xã rất rõ ràng. Không quản lý là trách nhiệm của đơn vị được phân cấp cũng như người trực tiếp trông nom di tích. Địa phương được phân cấp phải có trách nhiệm báo cáo xử lý trực tiếp về những vấn đề xảy ra đối với di tích”. Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn bổ sung thêm: “Bộ VH-TT&DL đã có đầy đủ văn bản hướng dẫn về phân cấp quản lý. Khi triển khai có gì sai phải chấn chỉnh ngay. Nếu trưng bày di vật không đúng phải yêu cầu bỏ ra. Đưa hiện vật gì vào di tích đều có hướng dẫn của Bộ. Ai sai người ấy chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó, cần kiểm tra giám sát thường xuyên. Chủ trương phân cấp là đúng. Chỉ có địa phương quản lý thì mới sâu sát được”.

Trả lời câu hỏi “chủ trương xã hội hóa đang bộc lộ nhiều tiêu cực, hạn chế, mặt trái thế nào”,  ông Nông Quốc Thành khẳng định, xã hội hóa là chủ trương đúng đắn, tuy nhiên thực tế áp dụng chưa chuẩn. Trong hồ sơ di tích có cả phần nội thất, chỉ khi phần trưng bày được phê duyệt thì việc đưa hiện vật vào mới hợp lệ. Câu đối, đại tự, hương án, bàn thờ sửa như thế nào đều nằm trong hồ sơ thiết kế. Nhiều cá nhân, khi đưa hiện vật vào đều muốn được ghi tên ở di tích đó, rồi làm biển khá lớn. Cục Di sản Văn hóa đã yêu cầu không gắn biển trực tiếp vào di tích đó nữa mà tập hợp danh sách làm bia chung như bia công đức từng thấy từ xưa đến nay. Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn tiếp lời: “Đúng là có thực tế khi tiến hành xã hội hóa, nhiều tập thể cá nhân đòi quyền nọ, quyền kia. Cái khó là thiếu tiền duy tu bảo dưỡng, những người trông nom di tích buộc phải chọn lựa để cho họ đóng góp công đức và ghi danh như một sự “cám dỗ khó đấu tranh”. Ma lực của đồng tiền quá lớn. Lãnh đạo Bộ VH-TT&DL trong quá trình kiểm tra cũng thấy có quá nhiều chỗ gắn biển ghi danh công đức không phù hợp. Việc này, Bộ cũng đang cho kiểm tra giám sát, chấn chỉnh lại.

Cán bộ kém thì tập huấn

Trước câu hỏi của PV Báo An ninh Thủ đô về việc có cần thiết tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ văn hóa cơ sở để phân biệt sư tử đá kiểu Trung Quốc và sư tử đá Việt Nam hay không; trình độ năng lực của cán bộ văn hóa thế nào khi không thể nhận biết được hiện vật lạ trong di tích do chính mình quản lý? Ông Nông Quốc Thành cho biết: “Việc tập huấn thì cấp huyện có quyền tổ chức. Cục Di sản Văn hóa đã có văn bản hướng dẫn. Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL đã có chỉ thị không được đưa những hiện vật nào vào di tích. Thực ra, đã có sự kiểm soát nhất định, tuy nhiên kiểm soát tất cả mọi thứ thì chưa được tốt”.

Chưa thỏa mãn với câu trả lời của lãnh đạo Cục Di sản Văn hóa, PV An ninh Thủ đô tiếp tục đặt câu hỏi về năng lực của cán bộ quản lý di tích. Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn cho biết thêm: “Tập huấn nhằm nâng cao bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ văn hóa, đó là việc làm thường xuyên. Trong quản lý di tích, địa phương cố tình làm sai thì cưỡng chế ngay, còn nếu do vô tình, không hiểu biết thì phải cho tập huấn là đương nhiên”. 

Đối với việc sẽ di chuyển sư tử đá ngoại lai đi đâu, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa khẳng định, đối với các di vật đưa vào không hợp lệ, sẽ phải    tự nguyện đưa ra. Theo Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn, Cục Di sản Văn hóa cần có văn bản hướng dẫn cụ thể. Trước mắt, nhất quyết di dời khỏi di tích, trả lại người đã cung tiến. Họ có thể mang về nhà chứ tuyệt đối không được đưa đến những nơi công cộng.

Tại buổi họp báo, phóng viên Báo Tuổi trẻ TP.HCM đặt câu hỏi với Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL: “Thứ trưởng đánh giá chất lượng cán bộ văn hóa hiện nay thế nào?”. Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Hồ Anh Tuấn đã trả lời: “Đó là câu hỏi khó quá, làm sao đánh giá được cả hệ thống! Câu hỏi này chỉ có Bộ trưởng mới trả lời được. Thứ trưởng trả lời là vượt quá thẩm quyền. Cá nhân tôi chưa đủ thẩm quyền đánh giá!”.