Làm hài kịch như đi buôn bất động sản

(ANTĐ) - Cách làm hài kịch mới-hài kịch tương tác lần đầu tiên được Nhà hát Tuổi trẻ áp dụng trong chương trình “Thành phố cười 5 mùa” ra mắt ngày 19-6 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội. Phóng viên Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trò chuyện cùng nghệ sỹ kịch câm Phạm Tiến Dũng, người xây dựng ý tưởng cho chương trình.

Nghệ sĩ kịch câm Phạm Tiến Dũng:

Làm hài kịch như đi buôn bất động sản

(ANTĐ) - Cách làm hài kịch mới-hài kịch tương tác lần đầu tiên được Nhà hát Tuổi trẻ áp dụng trong chương trình “Thành phố cười 5 mùa” ra mắt ngày 19-6 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội. Phóng viên Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trò chuyện cùng nghệ sỹ kịch câm Phạm Tiến Dũng, người xây dựng ý tưởng cho chương trình.

Một cảnh trong vở “Thành phố mùa thứ 5”.

Một cảnh trong vở “Thành phố mùa thứ 5”.

- PV: Anh có thể cho biết hài kịch tương tác sẽ khác với hài kịch thông thường ra sao?

-

Nghệ sĩ Phạm Tiến Dũng: Sự khác biệt lớn nhất mà người xem có thể nhận biết được khi xem hài kịch tương tác là việc áp dụng công nghệ tổ chức khi có sự kết hợp của nhiều phương tiện kỹ thuật và các loại hình nghệ thuật như ca múa nhạc trong cùng một chương trình. Các tiểu phẩm được nối với nhau trong một kịch bản thống nhất nhằm mang lại cho khán giả tiếng cười ý nghĩa.

Hơn nữa, cuộc sống giờ đã trở nên gấp gáp và bận rộn hơn, vậy mà cách xây dựng hài kịch không thay đổi, không có sự đổi mới sẽ đẩy khán giả càng rời xa sân khấu. Chính sự tương tác, sự kết hợp sẽ mang đến những thông điệp, những ý tưởng được công chúng đón nhận nhiệt tình. Còn với hài kịch thông thường, chúng ta chỉ được tiếp nhận ý tưởng của chương trình thông qua ngôn ngữ đối thoại thông thường.

- Trong “Thành phố cười 5 mùa”, sự tương tác nên được hiểu như thế nào?

- Khi nói đến sự tương tác, mọi người thường nghĩ đến mối quan hệ giữa khán giả-nghệ sỹ, khán giả sẽ trở thành nhân vật trong vở kịch. Nhưng thực ra, đó là sự tổng hòa của nhiều sự tương tác, khán giả-nghệ sỹ, nghệ sỹ-công nghệ trình chiếu trên màn hình sân khấu và quan trọng nhất là sự tương tác giữa khán giả với tác phẩm. Mà cụ thể hơn ở đây nên được hiểu là tiếng cười được cất lên để đẩy lùi những cái xấu ra khỏi thành phố.

- Một năm có 4 mùa nên khán giả không hiểu mùa thứ 5 mà các nghệ sỹ muốn đề cập trong chương trình là gì vậy?

- Một năm có 4 mùa xuân, hạ, thu, đông tương ứng với vòng đời của con người: sinh, lão, bệnh, tử. Trải qua mỗi mùa ấy, chúng tôi đều xây dựng một tiểu phẩm hài tương ứng và hơi thở của cuộc sống, của những vấn đề còn tồn tại của thành phố Hà Nội hôm nay đã được gửi gắm trong những tình huống hài kịch. Còn mùa thứ 5 là mùa của sáng tạo, mùa của yêu thương, mùa của những ước mơ, những mong muốn về thành phố, nơi chúng ta đang sinh sống. Sự tương tác của hài kịch cũng được tìm thấy rõ nét nhất trong “mùa thứ 5”.

- Chúng ta đã có những chương trình hài càng ngày càng nhạt, “Cười 5 mùa”, làm gì để tránh được điều đó?

- Việc huy động dàn diễn viên tên tuổi của làng hài phía Bắc và phía Nam như Vân Dung, Hoài Linh, Quang Thắng… chỉ một phần đảm bảo cho chương trình “Mùa cười” của Nhà hát Tuổi trẻ thành công. Bởi trước kia, chúng ta đã từng chứng kiến sự xuất hiện của các chương trình hài kịch nhạt dần theo thời gian cho dù cũng từng ấy diễn viên tên tuổi góp mặt.

Tôi nghĩ điều quan trọng nhất là cần có một sự đầu tư kỹ lưỡng về khâu kịch bản. Như NSND Lê Hùng, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Kịch Việt Nam từng nói: “Các sô diễn hài của các nghệ sỹ hiện nay đều “chết” do người nghệ sỹ chỉ diễn theo những gì mình có và điền tên tuổi của mình lên trên băng rôn mà thiếu đi một kịch bản tổng thể”. Thực ra, với những chương trình đó, tiếng cười vẫn được cất lên nhưng cười vậy thôi, không sâu cay. Tôi nghĩ làm hài kịch giống như đi buôn bất động sản, số 1 là vị trí và số 2 cũng là vị trí, vị trí có đẹp và đắc địa mới hy vọng giá thành mảnh đất cao.

- “Thành phố cười 5 mùa” dành cho Thủ đô Hà Nội nhưng khi được biểu diễn tại các thành phố khác có thay đổi nào không, thưa anh?

- “Thành phố cười” được xây dựng cho tất cả các thành phố trên đất nước Việt Nam, phản ánh hiện trạng của thành phố đó và mong ước của nhân dân thành phố đó. Vì thế, khi biểu diễn ở các thành phố khác nhau chúng tôi sẽ cho ra mắt các phiên bản khác nhau từ “Thành phố cười 5 mùa”. Còn về nguồn kịch bản, chúng tôi không lo lắng nhiều khi trong tay tôi đang có tới hơn 100 kịch bản khác nhau. Sau Hà Nội, chúng tôi sẽ mang 5 mùa yêu thương tới thành phố Đà Nẵng.

-  Xin cảm ơn nghệ sỹ!

Phạm Thu Hương (Thực hiện)