Làm giàu từ nỗi sợ hãi

ANTĐ - Bộ trưởng Bộ Y tế thừa nhận trên diễn đàn “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” cách đây chưa lâu rằng, thuốc nội vẫn lép vế trên sân nhà. Hiện tại ở nước ta gần 62% chi phí là để mua thuốc ngoại nhập, tại các bệnh viện tuyến Trung ương, con số này lên tới hơn 88%. Chuyện sính thuốc ngoại để chữa bệnh của người dân hoàn toàn không giống tình trạng sính hàng ngoại nhập, hàng xách tay.

Cuộc khảo sát tỷ lệ dùng thuốc trong nước so với thuốc nhập khẩu tại 1.018 bệnh viện công lập cho thấy, tỷ lệ thuốc sản xuất trong nước được dùng chỉ chiếm 38%. Tỷ lệ sử dụng thuốc nội so với thuốc ngoại tại 34 bệnh viện Trung ương còn thấp hơn nhiều, chỉ chiếm 11,9%. Tại 307 bệnh viện tỉnh, thành phố khá hơn một chút đạt 33,9%. Sở dĩ thuốc nội ít được bác sĩ và người bệnh lựa chọn do nguyên nhân rất đơn giản là người bệnh tuyệt đối tin tưởng vào bác sĩ, trong khi gần như 100% bác sĩ chỉ thích kê đơn thuốc ngoại vì được trích hoa hồng. Hoa hồng kê đơn cho một hộp thuốc ngoại được “ăn” 10-15%.

Nắm được tâm lý người bệnh không tin tưởng vào tác dụng, công hiệu của thuốc sản xuất trong nước, các công ty dược không ngại vung tay chi đậm hoa hồng cho bác sĩ kê đơn thuốc ngoại. Trong khi đó, cơ chế nhà nước cấp số đăng ký visa cho nhập dược phẩm nước ngoài vào quá nhiều, nhiều số đăng ký ảo để chiếm chỗ. Thời gian qua, số vụ cán bộ y tế, bác sĩ ăn chia hoa hồng bị phanh phui, xử lý chẳng thấm vào đâu. Với những chiến dịch tiếp thị “âm thầm” khai thác nỗi sợ hãi của con người về bệnh tật và cái chết, nền công nghiệp dược phẩm thế giới đạt lợi nhuận tới 500 tỷ USD mỗi năm.

Trong cuộc “kinh doanh” sinh mệnh con người, các hãng dược xuyên quốc gia không thể thành công nếu không có sự “bắt tay” chặt chẽ với giới bác sĩ, nhà nghiên cứu y học, kể cả quan chức y tế. Vừa qua Tập đoàn dược khổng lồ Glaxo Smith Kline bị Mỹ phạt 3 tỷ USD đã thừa nhận hành vi hối lộ bác sĩ với các chuyến du lịch đắt tiền, đánh golf, lướt ván và tiền bỏ túi, đổi lại các bác sĩ kê các loại thuốc đắt tiền. Nhiều tập đoàn dược lớn cũng áp dụng chiêu trò này, hơn thế còn dùng tiền can thiệp, cắt đứt những mắt xích quan trọng của hệ thống y tế, mua chuộc cả giáo sư, bác sĩ nổi tiếng của Mỹ.

Một nhà báo Australia nổi tiếng đã điều tra vạch trần các chiêu trò kinh doanh người bệnh của tập đoàn dược đại gia, theo đó ở nhiều quốc gia 80-95% bác sĩ thường xuyên có “dây dợ” với trình dược viên các hãng thuốc và hậu quả là họ kê đơn cho người bệnh theo tỷ lệ hoa hồng được hưởng. Thực trạng đang diễn ra trên thế giới cho thấy, tiền bạc mà các hãng dược bỏ ra “thuê” bác sĩ kê đơn được tính vào túi tiền người bệnh. Theo một nghiên cứu, ở Mỹ, Anh, Na Uy, người dân có thể tiết kiệm được hàng trăm triệu USD mỗi năm nếu bác sĩ có lương tâm kê đơn những loại thuốc giá rẻ mà vẫn đạt hiệu quả tốt. Đến thời điểm này, cho dù Bộ Y tế đã biết rõ nguyên nhân vì sao thuốc nội lép vế, song cũng chưa đưa ra được một biện pháp cụ thể, hữu hiệu để giải quyết tận gốc.

Ngay trong đề án “Người Việt ưu tiên dùng thuốc Việt” của Bộ Y tế đề ra mục tiêu đến năm 2015 thuốc sản xuất trong nước sẽ chiếm 60% nhu cầu sử dụng, cũng không đưa ra được giải pháp nào cụ thể để “điều trị” căn bệnh đã được… bắt bệnh. Câu hỏi: Ai sính dùng thuốc ngoại, chắc chắn không chỉ đặt ra cho người bệnh vốn eo hẹp túi tiền.