Làm giàu cho… “láng giềng”

ANTĐ - Mỗi năm Việt Nam có tới  hơn 40.000 người ra nước ngoài chữa bệnh, tiêu tốn khoảng 2 tỷ USD. Đây là con số  thống kê chưa đầy đủ của Bộ Y tế. Trong đó số lượng người đến Singapore nhiều nhất với 5.000 – 10.000 lượt người/năm, còn bệnh viện Thái Lan cũng là 80-100 lượt người/tháng. Ngoài ra, Trung Quốc, Hàn Quốc cũng là những địa điểm được đông đảo bệnh nhân Việt Nam lựa chọn. 

Nhiều người bảo, người Việt sính ngoại, dù lãnh đạo Bộ Y tế tự hào, trình độ, kỹ thuật, trang thiết bị ở nhiều bệnh viện Việt Nam không thua kém nước ngoài, nhưng buồn thay, dòng người vẫn đổ ra nước ngoài chữa bệnh, cứ năm sau lại cao hơn năm trước.

Ngay cả những người hành nghề y ở Việt Nam, khi có dịp là cũng đưa người thân ra nước ngoài chữa bệnh để được hưởng một dịch vụ tốt dưới các hình thức đi du lịch, công tác. Vậy thì ngành y tế của Việt Nam còn kêu vào đâu?

Trong khi đó, ra nước ngoài, bệnh nhân được săn sóc bởi một dịch vụ rất tốt từ khâu tiếp đón, thăm hỏi đến phòng ốc, đi lại, mọi dịch vụ đều minh bạch. Không có chuyện phải đưa phong bì phong bao, nhũng nhiễu, hạch sách... như ở ta mỗi khi bước chân vào cơ sở y tế người bệnh đều phải đối mặt với lắm thủ tục nhiêu khê, phiền hà, và quan trọng nhất là thái độ, y đức của y, bác sĩ. Ở nước ngoài, người bệnh khi vào viện được xem như thượng đế, còn ở Việt Nam ngược lại, bác sĩ phục vụ bệnh nhân theo kiểu ban ơn. 

Đặc biệt, với hàng loạt các vụ tai biến xảy ra trong thời gian qua, liên tiếp những câu chuyện đau lòng xảy ra - bệnh nhân tử vong do sự tắc trách của y bác sĩ cùng với sự thiếu minh bạch trong các dịch vụ, có thể nói, uy tín của ngành này đang xuống rất thấp. Nhìn nhận một cách khách quan, bệnh nhân đang thiếu lòng tin vào hệ thống y tế trong nước về sự an toàn cho họ. Bởi vậy nên dù cơ sở vật chất khá hiện đại, nhiều phương pháp điều trị được xem là đã tuân thủ các quy trình chuẩn quốc tế và hiệu quả mang lại cũng không có sự khác biệt nhiều so với bệnh viện các nước lân cận, thậm chí là ngang bằng với các nước trong khu vực, nhưng các bệnh nhân có điều kiện vẫn ra nước ngoài khám chữa bệnh. Mặc dù chi phí điều trị cho một ca phẫu thuật tại nước ngoài cao hơn 50-100 lần tại Việt Nam, nhưng nhiều người đã sẵn sàng bỏ ra cả số tiền lớn để ra nước ngoài điều trị với mong muốn nhận được những dịch vụ tốt nhất tại bệnh viện các nước này.

Con số 2 tỷ USD của hơn 40.000 người Việt ra nước ngoài chữa bệnh mỗi năm hiển nhiên không thể coi là nhỏ. Và ai là người cần âu lo, trăn trở vì việc thất thoát số ngoại tệ này?