Làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần là bao che, tiếp tay cho tội phạm

ANTD.VN - Những ngày qua, vụ việc đường dây làm giả bệnh án tâm thần cho hàng chục đối tượng hình sự nhằm trốn tránh việc điều tra, xử lý của cơ quan công an bị phát hiện đã gây chấn động dư luận. Nhiều bạn đọc đã gọi điện đến Đường dây nóng Báo ANTĐ bày tỏ sự bất bình về hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp, pháp luật của một số nhân viên y tế đồng thời đặt câu hỏi: “Đâu là là kẽ hở để những cá nhân này có thể làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần”?

Làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần là tội ác

Chia sẻ với phóng viên Báo ANTĐ, ông Đặng Tuấn Phong – cán bộ hưu trí phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội bức xúc, hành vi của các nhân viên y tế  đã bao che, tiếp tay, tạo điều kiện để tội phạm lộng hành, trốn tránh việc xử lý của các cơ quan thực thi pháp luật, gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng. Thật nguy hiểm biết bao khi những đối tượng phạm tội nghiêm trọng, thậm chí rất nghiêm trọng lại được nhởn nhơ ngoài vòng phát luật chỉ vì chúng có trong tay hồ sơ bệnh án tâm thần giả - thứ được coi là “kim bài miễn tử”. Điều này không chỉ ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự mà còn gây rối loạn kỷ cương phép nước.

“Có thể trước khi vụ việc này bị phát hiện, đã có không ít kẻ buôn ma túy, giết người, hiếp dâm… thoát tội nhờ lá bùa hộ mệnh là giấy chứng nhận tâm thần giả. Để  đảm bảo không bỏ lọt tội phạm, tôi rất mong các cơ quan chức năng xem xét lại toàn bộ hồ sơ của những đối tượng bỗng dưng… mắc bệnh tâm thần để đưa ra xét xử, bởi nếu không bị trừng trị, cách ly khỏi xã hội, chúng có thể tiếp tục thực hiện các tội ác tiếp theo” – ông Phong đề xuất.

Giám định tâm thần cần đảm bảo tính trung thực, khách quan, đúng pháp luật (ảnh minh họa - nguồn internet)

Với  tâm trạng tương tự, bà Lê Cẩm Vân ở khu đô thị Xa La, quận Hà Đông, Hà Nội cho biết, theo quy định của pháp luật, kết luận giám định pháp y, pháp y tâm thần là một trong những nguồn chứng cứ quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án. Kết luận giám định đúng đắn giúp cho việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án chính xác, khách quan, đúng pháp luật, không để bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

“Vậy mà chỉ vì hám lợi, hai cán bộ bệnh viện tâm thần đã sẵn sàng bán linh hồn cho quỷ dữ, giúp những kẻ thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội dễ dàng thoát tội. Sau sự việc này, Bộ Y tế cần nhanh chóng có giải pháp hữu hiệu kiểm tra, xem xét quy trình cung cấp hồ sơ bệnh án tâm thần tại các cơ sở y tế và trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức của các nhân viên y tế thực hiện công việc này. Có như vậy mới lấy lại được lòng tin của nhân dân, bảo vệ danh dự của những y bác sỹ chân chính” – bà Vân thở dài.

Sai phạm do quy trình thiếu chặt chẽ?

Việc giám định pháp y một người có bị mắc tâm thần hay không phải tuân thủ theo một quy trình chặt chẽ, nghiêm ngặt, đặc biệt là đối với các trường hợp liên quan tới các vụ án hình sự. Thông thường, bệnh viện sẽ tiếp nhận hồ sơ trưng cầu hoặc yêu cầu giám định. Hội đồng chuyên môn của bệnh viện nghiên cứu hồ sơ của đối tượng. Sau đó, đối tượng sẽ được theo dõi tại buồng bệnh, giám định viên tham gia giám định theo dõi, ghi chép đầy đủ mọi diễn biến của đối tượng vào bệnh án theo dõi giám định. Đối tượng sẽ được thăm khám lâm sàng, khám tâm thần, khám nội khoa và thần kinh, khám cận lâm sàng…Sau khi theo dõi bệnh nhân một tháng cùng với những kết quả thăm khám, hội đồng chuyên môn sẽ họp để cùng đưa ra quyết định và phải chịu trách nhiệm về quyết định này – Tiến sỹ, Bác sỹ Hoàng Cẩm Tú – Giám đốc Trung tâm tham vấn sức khỏe tâm thần trẻ vị thành niên cho biết.

Tuy vậy, không phải trường hợp bệnh nhân tâm thần nào cũng phải tiến hành hội chẩn. Chỉ những trường hợp nào khó chẩn đoán hoặc đã chẩn đoán song điều trị khó sẽ phải hội chẩn. Điều này dẫn đến việc có một số trường hợp không cần hội chẩn nên cán bộ y tế tự ý đưa ra chẩn đoán để làm hồ sơ, bệnh án tâm thần. Trong đó có một số người bị mua chuộc bằng các lợi ích vật chất đã bán rẻ bản thân làm hồ sơ tâm thần giả cho các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật.

Cũng theo Bác sỹ Hoàng Cẩm Tú, các trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ phải được giám định có mắc bệnh tâm thần hay không tại Viện Pháp y tâm thần Trung ương. Luật Giám định tư pháp quy định về giám định cá nhân và giám định tập thể. Nếu cơ quan tố tụng yêu cầu cá nhân giám định viên thì giám định viên phải chịu trách nhiệm từ đầu tới cuối. Còn nếu trưng cầu tổ chức giám định thì hội đồng đó phải chịu trách nhiệm. Song, công tác giám định tâm thần cũng gặp nhiều khó khăn do không ít bệnh nhân giả mắc bệnh hoặc giả bệnh nặng hơn với thủ đoạn khá tinh vi, xảo quyệt nhằm trốn tránh trách nhiệm trước pháp luật.

Bộ luật Tố tụng hình sự quy định, khi cơ quan điều tra nghi ngờ năng lực trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội thì bắt buộc phải trưng cầu giám định tình trạng tâm thần của đối tượng. Nếu kết luận cho thấy bị can bị bệnh tâm thần hạn chế nhận thức và năng lực điều khiển hành vi trước, trong và sau khi phạm tội thì vẫn sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội đã gây ra song được giảm nhẹ một phần hình phạt. Như vậy, dù sở hữu bệnh án tâm thần thì bị can chưa chắc đã trốn tránh được trách nhiệm hình sự.

Để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật, các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội cần trung thực, thành khẩn khai báo, không nên tìm cách mua bệnh án tâm thần giả kẻo “tiền mất, tật mang”. Bên cạnh đó, mỗi nhân viên y tế làm công tác giám định tâm thần cần thường xuyên trau dồi về cả đạo đức và nghiệp vụ, tránh vì lợi ích vật chất trước mắt mà tự đẩy mình vào vòng lao lý.