Làm gì để ta vẫn có nhau?

ANTĐ - Khả năng của phụ nữ, qua nghiên cứu của khoa học được coi là “bậc thầy trong nghệ thuật giao tiếp, thu phục, cảm hóa, lôi cuốn người xung quanh bằng ngôn ngữ đặc biệt của mình. Khả năng trời phú đó nằm ở bí quyết họ được thừa hưởng gấp hai lần so với nam giới”

Giao tiếp, ứng xử bộc lộ sự tinh tế, khéo léo, lịch lãm mà con người có được qua quá trình sống và học hỏi của mình. Khả năng của phụ nữ, qua nghiên cứu của khoa học được coi là “bậc thầy trong nghệ thuật giao tiếp, thu phục, cảm hóa, lôi cuốn người xung quanh bằng ngôn ngữ đặc biệt của mình. Khả năng trời phú đó nằm ở bí quyết họ được thừa hưởng gấp hai lần so với nam giới” (báo Lao động ngày 16/11/2002) .Trong khi ấy, người đàn ông phải tự cố gắng rất nhiều trong giao tiếp, ứng xử.

Rõ ràng là người phụ nữ, nếu biết phát huy khả năng giao tiếp, ứng xử của mình thì rất dễ thành công trong xã hội và được yêu quý trong gia đình. Ở gia đình quan hệ có tính chi phối cơ bản là quan hệ vợ chồng. Khi yêu người ta ứng xử khéo léo bao nhiêu thì khi sống với nhau người ta vẫn phải tiếp tục mối quan hệ đó mới giữ được tình yêu đôi lứa. Người phụ nữ luôn muốn được bình đẳng với chồng nhưng vẫn muốn người chồng làm trụ cột gia đình, họ hay nói, thật buồn nếu mình phải làm trụ cột. Bởi chức năng của người đàn ông và người đàn bà trong gia đình có khác nhau. Người phụ nữ khôn ngoan thường tuân thủ đạo làm vợ, kính trọng và tôn trọng chồng. Người xưa đã dạy:

Chồng giận thì vợ bớt lời

Cơm sôi nhỏ lửa chẳng đời nào khê.

Tuy nhiên, sự ứng xử không thể buông xuôi một chiều là người vợ chỉ biết nhường nhịn. Khi chồng bớt nóng giận người phụ nữ vẫn phải nêu cái sai của chồng (nếu nguyên nhân do anh ấy) và nhận cái sai về mình nếu mình có lỗi, nhưng cách nói nhẹ nhàng có kết quả hơn là nói nặng lời.

Người ta thường bảo: “Giàu vì bạn sang vì vợ” là vậy, nếu người vợ biết hỗ trợ chồng làm nên nghiệp lớn, biết cư xử tốt với cha mẹ, gia đình nhà chồng và bạn bè của chồng sẽ giúp cho người chồng có sự nghiệp và có được hạnh phúc trong cuộc sống gia đình. Người Việt Nam thường lấy luân lý của đạo Nho làm cơ sở cho việc ứng xử trong gia đình. Đó là:

- Con cháu đối với ông bà, cha mẹ lấy đạo Hiếu làm phương tiện ứng xử, biết chăm sóc cha mẹ, ông bà khi họ ốm đau, bệnh tật. Trong quan hệ anh chị em phải lấy chữ “Đễ” (hoà thuận) làm phương tiện ứng xử. Làm anh, chị phải quảng đại với em, không chấp nhặt, làm em phải biết kính trọng vâng lời.

- Trong quan hệ vợ chồng phải lấy chữ thủy chung (ăn ở có trước có sau) làm phương tiện ứng xử, biết hy sinh, để cái cá nhan dưới lợi ích chung của cả gia đình.

- Khi có con rồi phải lấy chữ “giáo-dưỡng” (dạy - nuôi) làm phương tiện ứng xử. Nếu cha nghiêm thì mẹ phải từ, mẹ là người cân bằng tình cảm trong các mối quan hệ cha mẹ, con. Đối với con trai, con gái, cha mẹ phải đối xử công bằng, thấu hiểu con cái để chúng có thể chia sẻ niềm vui, nỗi buồn và tìm thấy chỗ dựa tin cậy ở cha mẹ.

Nay thì, trên cơ sở truyền thống, mối quan hệ và ứng xử giữa các thành viên gia đình phải uyển chuyển và hiện đại mới có thể tránh được những xung đột và rắc rối, giữ được sự bình yên, hạnh phúc gia đình.

Trước đây, khi còn làm nghề dạy học, tôi có một cô bạn đồng nghiệp, cô không xinh xắn, người thấp, da đen nhưng có nụ cười rất dễ gần. Chồng của cô cùng tuổi với cô, anh trẻ trung, vui vẻ, đẹp trai, mọi người hay trêu cô: “Làm cách nào mà cô cưa được anh chàng sáng giá thế”. Cô chỉ cười. Sau này cô bật mí với tôi điều bí mật của mình. Cô nói, khi còn trẻ, em không xinh như nhiều bạn gái khác nhưng lại có nhiều bạn, cả bạn

trai và bạn gái, họ rất quí em. Đối với các bạn trai, em luôn luôn chủ trương giữ họ, giữ tình bạn với họ, không bao giờ tạo sự xa cách hoặc tự ti khi chơi với họ, em chơi với họ rất vô tư. Em vui vẻ, chia sẻ với các bạn khi họ có khó khăn hoặc có nỗi niềm riêng. Có bạn trai khi có người yêu đã đưa cô ấy đến chơi với em. Họ tâm sự và hỏi ý kiến, nhận xét của em về người họ yêu. Em suy nghĩ và nói thật với họ những gì mà em biết về người bạn gái của họ. Họ tin em vì em góp ý một cách thiện chí, kể cả những điều chưa hay về người bạn của họ để họ hiểu hơn về người yêu của mình. Em nghĩ, khi họ hỏi mình, điều gì biết chính xác thì hãy trao đổi với họ, không biết rõ thì không nói chứ không bao giờ chê bai hoặc nói sai. Và chồng em, là một trong những người bạn trai thân thiết của em. Từ tình bạn chuyển sang tình yêu rồi thành vợ chồng. Thành vợ chồng rồi, chúng em vẫn đối xử với nhau như bạn, rất yêu nhau nhưng vẫn cởi mở và chuyện trò thẳng thắn với nhau. Khi những người thân thích, ruột thịt gặp khó khăn, nếu có thể giúp được họ chúng em sẵn sàng chia sẻ.

Hiện các con cô đã trưởng thành, đều tốt nghiệp đại học. Các con lập gia đình, vợ chồng cô săm sắn với các con, giúp chúng khi chúng cần. Hai vợ chồng sống vui vẻ, bình yên bên con cháu.

Tôi có người bạn gái rất thân. Cô ấy có một người em dâu khá xinh đẹp, thông minh, có vị trí cao trong cơ quan. Em trai bạn tôi là người giỏi giang, đẹp trai và rất yêu vợ, anh cũng có uy tín ở cơ quan. Nhưng họ hay phải ở xa nhau quá vì anh này làm việc ở một Hãng hàng không, đại diện của hãng ở nhiều nước. Chẳng hiểu do yếu lòng hay do trời đày mà cậu ấy lại có một đứa con ngoài giá thú. Bão nổi lên giữa đôi vợ chồng này. Họ có hai con, các cháu đã lớn, đang học đại học. Các cháu rất yêu bố mẹ, và bố, mẹ cũng rất yêu chúng. Trước đây các cháu có tâm lý rất sợ bố mẹ li dị. Nhưng đến nay thì chúng có suy nghĩ khác, là tùy cha mẹ giải quyết các rắc rối của mình.

Nhiều ngày, cô băn khoăn, đau khổ, có đêm thức trắng bởi giận chồng. Cô đã nói với anh, anh chọn đi, anh sống với em thì phải dứt khoát với người phụ nữ kia, nếu anh chọn cô ấy thì em và anh sẽ li dị. Nhưng mỗi lần anh đi công tác xa về thăm nhà, cô vẫn chăm sóc anh chu đáo. Mọi việc đối nội, đối ngoại trong gia đình, việc nuôi con, giáo dục con hầu như cô phải đảm nhận. Sau mấy năm khủng hoảng gia đình, nay thì mọi việc đã ổn, các con của cô đã tốt nghiệp đại học, vợ chồng cô vẫn bên nhau. Tôi có gặp cô, cô sắp nghỉ hưu, cô vẫn đẹp và duyên dáng, hiện đại và cao sang. Tiếp xúc và nói chuyện với cô ấy rất dễ chịu.

Sau này khi thân thiết hơn, tôi có hỏi, vì sao cô vẫn giữ được gia đình. Cô nói, dù chúng tôi khốn khổ vì nhau nhưng tôi luôn coi anh ấy là người bạn thân thiết của mình nên không muốn xa anh ấy. Tôi thấy anh ấy đã phải tự dằn vặt, khổ sở với những gì mình gây ra rồi, nếu tôi tiếp tục hành hạ, anh ấy sẽ hoảng loạn lắm. Tôi đã đau lòng và buồn nẫu ruột vì anh ấy. Có lúc tôi cũng muốn tìm một người bạn trai khác để giải khuây nhưng không thấy ai như anh, không ai có thể lấp đầy nỗi buồn cho tôi. Cho dù hoàn cảnh trớ trêu nhưng chúng tôi vẫn tôn trọng nhau và không làm gì tổn thương cho nhau. Và tôi hiểu, tôi không thể xa anh ấy được, và anh ấy cũng thế, anh vẫn tha thiết với tôi. Dần dần, anh ấy tự giải quyết ổn thỏa các mối quan hệ của mình, và chúng tôi vẫn bên nhau vì chúng tôi vẫn thấy cần có nhau.

Có lẽ, đối với người phụ nữ, gia đình ổn định là mong muốn da diết nhất. Nhưng để có được một gia đình vui vẻ, bình yên, giữ được ngọn lửa yêu đương nồng đượm giữa vợ chồng qua bao năm tháng thăng trầm của cuộc sống, cả hai bên, chồng, vợ đều phải cố gắng rất nhiều. Nếu còn yêu nhau hãy thể tất cho nhau, và nhất là phải tôn trọng nhau. Bởi thế người xưa đã dạy ta, muốn có hạnh phúc, vợ chồng phải luôn “tương kính như tân”, có nghĩa là, phải luôn tôn trọng, kính mến nhau như thủa ban đầu. Đối với người thân thiết nhất ta cũng phải có nghệ thuật ứng xử, chớ có coi thường điều này. Sự khéo léo, khôn ngoan trong ứng xử sẽ giúp ta tránh được những hậu quả đáng tiếc trong hôn nhân là sự ly hôn mà không ai muốn. Hãy coi mối quan hệ vợ chồng là mối quan hệ số một trong gia đình để từ đó biết ứng xử và xây dựng các mối quan hệ khác tốt đẹp.