Lạm dụng vốn vay ODA có thể “sát hại” nền kinh tế

ANTĐ -  Ngày 30-10, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận về tình hình kinh tế- xã hội năm 2014 và mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế xã hội 2015. Bên cạnh vấn đề nợ công, nợ xấu, việc lạm dụng và quản lý yếu kém nguồn vốn ODA cũng khiếu nhiều ĐBQH quan ngại.
Lạm dụng vốn vay ODA có thể “sát hại” nền kinh tế ảnh 1

Vốn vay ODA cần được quản lý, sử dụng có hiệu quả hơn (ảnh internet)

Phát biểu về vấn đề này, Đại biểu Lê Thị Nga (đoàn Thái Nguyên) cho biết, từ thực tiễn quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA hiện nay đang bộc lộ rõ nhiều hạn chế. Quốc hội là cơ quan chịu trách nhiệm cao nhất trong phê duyệt nguồn vay vốn ODA nhưng thực tế lại đang gần như đứng ngoài cuộc trong các quyết định vay vốn ODA. Trách nhiệm giám sát, nhất là giám sát tối cao của Quốc hội về ODA chưa được coi trọng.


Đại biểu Lê Thị Nga phân tích, Việt Nam hiện đang là một trong số những nước vay vốn ODA với số lượng rất lớn, song nguồn vốn vay này đang được phân bổ khá dàn trài, thiếu trọng tâm, trọng điểm và cũng chưa thể hiện rõ chiến lược ưu tiên sử dụng. Thực tế ngay nhận thức của các cơ quan, các địa phương được phân bổ nguồn vốn vay ODA để phục vụ phát triển còn hạn chế, thậm chí sai lệch.


“Nhiều người vẫn nghĩ rằng ODA là nguồn vốn cho không, nguồn vay không mất lãi, vay được càng nhiều thì càng tốt mà không cần quan tâm đến thời gian trả nợ. Điều này kéo theo việc triển khai, sử dụng nguồn vốn này chưa hiệu quả, để lại nhiều hệ lụy xấu cho tương lai. Các chuyên gia kinh tế của thế giới đã chỉ ra rằng, ODA là “bẫy kinh tế”, là “sát thủ kinh tế”, có thể sát hại nền kinh tế nếu lạm dụng và sử dụng không hiệu quả” – đại biểu này nói.

Lạm dụng vốn vay ODA có thể “sát hại” nền kinh tế ảnh 2

Theo ĐB Lê Thị Nga, cần phải có lộ trình kết thúc vốn vay ODA sớm


Cũng theo Đại biểu Lê Thị Nga, từ kinh nghiệm của các nước đã thành công nhờ chiến lược vay và sử dụng hiệu quả vốn ODA, Quốc hội, Chính phủ phải quản lý chặt chẽ, sử dụng có chọn lựa, có hiệu quả hơn vốn ODA. Đồng thời phải kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng vốn ODA và có kế hoạch chấm dứt vốn vay ODA trong tương lai gần.


Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Văn Tiên (đoàn Tiền Giang) nhấn mạnh, các dự án vay ODA cần phải tinh toán hết sức cẩn thận vì nó sẽ tăng gánh nặng nợ công của đất nước. Phải thực hiện nguyên tắc chỉ vay ODA để đầu tư vào hạ tầng thiết yếu, hướng đến đầu tư phát triển chứ không được vay để phục vụ nhiệm vụ chi thường xuyên. Đặc biệt, các quyết sách vay vốn ODA, các khoản vay… nhất thiết phải có ý kiến của các cơ quan quốc hội.