Lạm dụng phấn rôm tăng nguy cơ ung thư cho bé gái

ANTĐ - Trước thông tin hãng Johnson & Johnson thua kiện vụ phấn rôm gây ung thư, không ít người tiêu dùng đã lập tức quay lưng với sản phẩm này.

Lạm dụng phấn rôm tăng nguy cơ ung thư cho bé gái ảnh 1

Phấn rôm dành cho trẻ em được bày bán khá nhiều tại các cửa hàng

Chỉ người tiêu dùng chịu thiệt

Như Báo ANTĐ đã đưa tin, ngày 3-5 vừa qua, Công ty Johnson&Johnson (J&J) đã bị bồi thẩm đoàn ở bang Missouri, Mỹ yêu cầu bồi thường 55 triệu USD cho bà Gloria Ristesund - người sử dụng sản phẩm phấn rôm của công ty này trong nhiều năm và bị ung thư buồng trứng. Song, theo một phát ngôn viên của J&J, phán quyết này mâu thuẫn với các nghiên cứu trong 30 năm qua về tính an toàn của các sản phẩm của hãng nên J&J sẽ kháng cáo.

Dù vậy, vụ kiện cũng đã khiến nhiều phụ huynh có sử dụng phấn rôm cho con mình lo ngại. Chị Đào Vân Khánh ở khu đô thị Đền Lừ, quận Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ, con gái chị đã hơn 3 tuổi và cũng chừng ấy thời gian cháu tiếp xúc với phấn rôm nhãn hiệu Johnson. Do phấn rôm có ưu điểm giúp cho da bé luôn khô thoáng, hơn nữa đây lại là sản phẩm mang thương hiệu lớn, có uy tín trên thị trường nên mỗi khi tắm cho con xong, chị Khánh đều bôi phấn rôm vào các vùng da dễ bị hăm của bé như cổ, nách, bẹn.

Song từ khi đọc được thông tin hãng J&J có nguy cơ phải bồi thường hàng triệu đô la Mỹ cho người sử dụng phấn rôm của hãng bị chẩn đoán mắc ung thư buồng trứng, chị Khánh đứng ngồi không yên. Trước thông tin trên, phóng viên ANTĐ đã tiến hành khảo sát tại một số cửa hàng, siêu thị bán đồ dùng trẻ em trên địa bàn Hà Nội. Tại hầu hết các địa điểm này, phấn rôm, sữa tắm, dầu gội mang nhãn hiệu J&J với nhiều kích cỡ khác nhau được bày bán khá phổ biến.

Trong vai khách hàng, khi chúng tôi tỏ vẻ lo ngại về chất lượng phấn rôm cho trẻ hiện nay, bà V.T.H - chủ một cửa hàng trên phố Lãn Ông, quận Hoàn Kiếm trấn an: “Hàng triệu người dùng mới có vài người mắc bệnh, hơn nữa, nguyên nhân cũng chưa chắc chắn có phải do phấn rôm không. Mặt khác, loại phấn rôm bị kiện của J&J được sản xuất ở Mỹ, còn phấn rôm J&J ở đây được sản xuất ở Thái Lan nên tuyệt đối an toàn”(?!)

Nguy cơ nhiễm bệnh đường hô hấp

Được biết, một trong những thành phần có trong phấn rôm là bột Talc,  khoáng chất có trong tự nhiên chứa các thành phần như silic, magie, hydro và oxy. Chất bột này thường được sử dụng trong công nghiệp sản xuất mỹ phẩm, giấy, gạch men, lốp cao su… Trong phấn rôm, bột Talc có tính năng hút ẩm, khử mùi. Theo cơ quan y tế của Mỹ, trong bột Talc còn có chất amiăng có khả năng gây ung thư nếu người dùng hít phải một lượng lớn.

Về những lưu ý khi sử dụng phấn rôm cho trẻ, bác sỹ Nguyễn Minh Hiếu - Bệnh viện E cho rằng, do phấn rôm có ưu điểm làm khô thoáng bề mặt da, chống hăm và hạn chế rôm sảy nên được nhiều bà mẹ tin dùng, nhưng nếu không thận trọng, sản phẩm này có thể gây hại cho trẻ.

Thực tế đã có không ít bệnh nhi phải nhập viện trong tình trạng khó thở mà nguyên nhân  do hít phải bột phấn rôm. Điều đáng lo ngại là, trong phấn rôm ngoài bột Talc còn có muối calci, kẽm, chất béo và một số chất tạo mùi thơm. Khi trẻ hít phải với một lượng nhất định có thể gây viêm, sưng phổi kèm theo các triệu chứng ho, hắt hơi, sổ mũi, nôn, khó thở, tím tái, thậm chí gây nghẽn đường thở. 

Đối với các bé gái, việc sử dụng phấn rôm thường xuyên, liên tục từ vùng bụng dưới trở xuống trong một thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư buồng trứng. Nguyên nhân là bụi phấn, chất ô nhiễm siêu nhỏ từ môi trường có thể xâm nhập vào hố chậu thông qua bộ phận sinh dục của trẻ vào ống dẫn trứng dẫn đến viêm nhiễm, tạo điều kiện cho tế bào ung thư phát triển.

Vì vậy, trong khi chờ các cơ quan chuyên môn đưa ra kết luận cuối cùng về việc phấn rôm có gây hại cho sức khỏe của trẻ, làm tăng nguy cơ gây ung thư buồng trứng hay không, để bảo vệ sức khỏe của con em mình, các bậc cha mẹ nên thận trọng trong việc sử dụng phấn rôm cho trẻ, không nên bôi phấn rôm vào vùng kín của bé gái.

Đối với những trẻ bị rôm sảy nhiều, đặc biệt là trong thời tiết nóng nực, phụ huynh nên cho bé mặc đồ thoáng, tắm nước sạch với các loại lá, quả có tính mát như chè tươi, nước chanh pha chút muối, nước lá kinh giới, mướp đắng, cho bé mặc quần áo rộng, thấm hút mồ hôi, ăn các thực phẩm mát, không nên lạm dụng những sản phẩm chứa chất hóa học, đặc biệt là những mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, được bày bán trôi nổi trên thị trường để bôi, xoa lên cơ thể trẻ...