Lạm dụng kháng sinh, ngành thủy sản "ngấm đòn"

ANTĐ - 10 tháng qua xuất khẩu thủy sản đã giảm tới hơn 17% so với cùng kỳ năm 2014. Nguyên nhân thị trường khó khăn, gặp cạnh tranh từ các nước khác chỉ là một phần, còn một phần trong đó là do tình trạng gia tăng các lô hàng xuất khẩu bị trả về vì không đảm bảo chất lượng. Đặc biệt, tình trạng sử dụng kháng sinh bừa bãi trong thủy sản đã và đang khiến ngành này “ngấm đòn”.
Lạm dụng kháng sinh,  ngành thủy sản "ngấm đòn" ảnh 1

Nếu không thay đổi cách làm ăn chụp giật, thị trường xuất khẩu của thủy sản Việt Nam sẽ dần bị thu hẹp

Xuất khẩu sụt giảm

Theo Bộ NN&PTNT, từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt khoảng 5,37 tỷ USD, giảm 17,7% so cùng kỳ năm ngoái. Các chuyên gia dự báo, cả năm 2015 xuất khẩu thủy sản cũng chỉ về đích ở mức 6,6 - 7 tỷ USD, có nghĩa là không hoàn thành chỉ tiêu 8 tỷ USD đặt ra hồi đầu năm.

Lý giải về sự sụt giảm này, đại diện Bộ NN&PTNT cho rằng, do thị trường khó khăn và sự cạnh tranh quyết liệt từ các nước đối với mặt hàng tôm nên đã gây khó khăn cho thủy sản nước ta; thời tiết không thuận lợi khiến việc thả nuôi thủy sản bị ảnh hưởng, biến động tỷ giá… Tuy vậy, nhìn thẳng vào sự thực thì một phần nguyên nhân do các hộ nuôi trồng, do các doanh nghiệp xuất khẩu còn làm ăn cơ hội, chụp giật, đặc biệt là tình trạng sử dụng kháng sinh bừa bãi, không đảm bảo ATTP. 

Cá tra được xem là thế mạnh về xuất khẩu thủy sản của nước ta trên thương trường quốc tế, nhưng số lượng ngày càng sụt giảm mạnh. Từ đầu năm đến nay, các thị trường chính như Hoa Kỳ, EU, Brazil, Mexico, Asean… đều giảm nhập khẩu cá tra, kèm theo đó là giá xuất khẩu cũng giảm. Giá cá tra nguyên liệu ở đồng bằng sông Cửu Long duy trì mức rất thấp, từ 18.000 - 20.000 đồng/kg, khiến người nuôi lỗ nặng. Thị trường xuất khẩu gặp khó nên không ít doanh nghiệp cạnh tranh nhau “chào giá thấp” để  ký được hợp đồng, kèm theo đó là giảm chất lượng cá trong khâu chế biến nên bị nhà nhập khẩu quốc tế và người tiêu dùng phản ứng, gây mất uy tín chung đối với mặt hàng cá tra. 

Hàng loạt thị trường cảnh báo

Thông tin từ Bộ NN&PTNT cho thấy, trong năm 2015, các lô hàng vi phạm bị phát hiện qua kiểm tra chứng nhận ATTP thủy sản xuất khẩu tăng cao. Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục  Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad-Bộ NN&PTNT) nhìn nhận, tình trạng lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản đang ở mức đáng báo động. 

Năm 2014, có 159 lô hàng bị phát hiện vi phạm quy định ATTP và 68 lô bị phát hiện vi phạm quy định hóa chất kháng sinh. Nhưng chỉ trong 9 tháng đầu năm 2015, con số các lô hàng vi phạm lần lượt là 165 và 78 lô. Đối với hàng xuất khẩu, theo cảnh báo của các thị trường, 9 tháng đầu năm đã có 181 lô hàng bị cảnh báo về chỉ tiêu kháng sinh cấm sử dụng, kháng sinh hạn chế sử dụng, vi sinh và các cảnh báo khác.

Theo tin mới nhất từ Nafiqad, có 25 doanh nghiệp Việt Nam với 27 lô hàng thuỷ sản (tăng 1,28 lần so với cùng kỳ) xuất khẩu bị cơ quan thẩm quyền Nhật Bản cảnh báo vi phạm quy định ATTP về dư lượng hóa chất, kháng sinh. Các mặt hàng bị cảnh cáo chủ yếu là tôm thẻ chân trắng đông lạnh, tôm sú nuôi đông lạnh, cá bò tẩm gia vị. Với thực tế này, cơ quan thẩm quyền Nhật Bản đã áp dụng chế độ kiểm tra chặt đối với các chỉ tiêu bị cảnh báo và có thể sẽ áp dụng biện pháp đình chỉ nhập khẩu nếu tình hình không được cải thiện.

Tương tự, tại thị trường EU, Việt Nam cũng có 27 lô hàng thủy sản xuất khẩu bị cảnh báo nhiễm hóa chất kháng sinh trong 9 tháng đầu năm, tăng 1,28 lần so với cả năm 2014. Phía EU đã có văn bản gửi Nafiqad nêu rõ 24 doanh nghiệp chế biến thủy sản của Việt Nam có lô hàng bị phát hiện vi phạm, đồng thời cảnh báo nếu tình hình không được cải thiện sẽ áp dụng các biện pháp bổ sung để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng châu Âu. Với thị trường Mỹ, số lô hàng cá biển, tôm vi phạm chỉ tiêu kháng sinh là 35, tăng 6 lần so với năm 2014. Australia cũng cho biết sẽ ngừng nhập khẩu thủy sản Việt Nam nếu tỷ lệ vi phạm dư lượng kháng sinh gia tăng.

Lãnh đạo Nafiqad lo ngại, tình hình hàng nông, thủy sản xuất khẩu bị trả về nếu xử lý chưa tốt và không có cải thiện thì rất có thể sẽ dẫn đến hậu quả bị thị trường nhập khẩu kiểm soát chặt chẽ 100% lô hàng, nghiêm trọng hơn là bị một số thị trường đình chỉ nhập khẩu. Theo ông Nguyễn Như Tiệp, tình trạng lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản đã được Bộ NN&PTNT cảnh báo từ lâu, nhưng người nuôi đã không nghiêm túc thực hiện.