Lạm dụng kê đơn thuốc: Bệnh khó chữa

ANTĐ - Với nhiều nước trên thế giới, tiền thuốc chỉ chiếm 35-40% trong tổng chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) nhưng ở Việt Nam, tỷ lệ này luôn chiếm 60%. Tình trạng lạm dụng kê đơn thuốc đã được nói đến rất nhiều, nhưng đằng sau nó vẫn tồn tại nhiều mâu thuẫn khó giải quyết.

Bên muốn chữa, bên sợ vỡ quỹ

Tiền thuốc luôn là gánh nặng lớn nhất với người bệnh

Theo Cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, chi phí mua thuốc, vật tư y tế chiếm khoảng hơn 60% tổng chi phí khám chữa bệnh BHYT, ảnh hưởng rất lớn tới việc cân đối quỹ BHYT. Năm 2011, số người tham gia BHYT là 55,9 triệu người, chi phí khám chữa bệnh BHYT khoảng 24.000 tỷ đồng, trong đó riêng tiền thuốc ước tính 15.000 tỷ đồng, chiếm 60% và tăng đến 28% so với 2010. Dự kiến trong năm 2012 này, chi phí tiền thuốc điều trị cho bệnh nhân BHYT sẽ chiếm khoảng 61% tổng chi khám chữa bệnh BHYT. Kết quả khảo sát tại một số BV Trung ương và BV đầu ngành tại Hà Nội được công bố cách đây chưa lâu cho thấy, có đến 55% số đơn thuốc kê 6-10 loại thuốc/bệnh án, hơn 10% kê 11-15 loại thuốc/bệnh án và 1,8% đơn thuốc kê từ 16-20 loại thuốc, cá biệt có đơn kê trên 20 loại thuốc/bệnh án. 

Trao đổi với báo chí về vấn đề “nóng” này, TS. Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc BV Bạch Mai cho rằng, lạm dụng trong kê đơn thuốc, đặc biệt lạm dụng thuốc kháng sinh là tình trạng nhức nhối của cả thế giới chứ không riêng gì Việt Nam. Tuy vậy, để khẳng định thế nào là lạm dụng thuốc thì cần nhìn nhận một cách cụ thể. Với cơ chế chính sách BHYT ở nước ta hiện nay, phía các cơ sở y tế là nơi điều trị cho bệnh nhân BHYT rất mong muốn bệnh nhân được điều trị tốt nhất, đầy đủ thuốc và thuốc tốt nhất để sớm khỏi bệnh. Còn cơ quan thanh toán chi phí BHYT cho người bệnh là BHXH thì lại lo sợ nguy cơ “vỡ quỹ BHYT” do bác sĩ kê đơn “vung tay quá trán”. Hơn nữa, với cùng một bệnh nhưng mỗi trường hợp khác nhau phải điều trị khác nhau. Chẳng hạn, cùng là mổ ruột thừa nhưng với bệnh nhân phát hiện sớm, việc phẫu thuật đơn giản và sau phẫu thuật không cần dùng nhiều thuốc nhưng nếu bệnh nhân nặng, ruột thừa đã bị vỡ, gây nhiễm trùng thì sau phẫu thuật phải điều trị kết hợp nhiều loại kháng sinh khác nhau.

Cũng theo TS. Nguyễn Quốc Anh, một nguyên nhân nữa dẫn đến lạm dụng thuốc kê đơn là do tâm lý của chính bác sĩ. “Chẳng hạn như tại BV Bạch Mai, qua kiểm thảo kê đơn thuốc của bệnh nhân chúng tôi có hỏi bác sĩ kê đơn tại sao với bệnh này lại kê kháng sinh loại này (có thể kê kháng sinh nhẹ hơn), nhiều bác sĩ trẻ thừa nhận rằng, nếu sau phẫu thuật mà để sẹo to, vết mổ nhiễm trùng thì bác sĩ mổ phải chịu trách nhiệm trước khoa nên thà bị kiểm điểm vì lạm dụng một chút thuốc cho bệnh nhân nhanh khỏi còn hơn…” - Giám đốc BV Bạch Mai chia sẻ.

Siết chặt giám sát, kiểm thảo 

Trong khi việc thay đổi một “căn bệnh kinh niên” không thể làm trong một sớm, một chiều thì vấn đề quan trọng nhất vẫn là phải tăng cường giám sát, kiểm tra. Bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT - Bộ Y tế cho biết, ngay từ quý I-2012, Vụ đã phối hợp với Thanh tra Bộ Y tế, các đoàn kiểm tra của BHXH Việt Nam tổ chức kiểm tra công tác khám chữa bệnh BHYT, quản lý và sử dụng quỹ BHYT tại 12 BV trực thuộc Bộ và một số BV đa khoa tỉnh, BV Nhi, BV Điều dưỡng phục hồi chức năng… trên toàn quốc. Qua kiểm tra đã phát hiện và kịp thời chấn chỉnh, rút kinh nghiệm trong tổ chức khám chữa bệnh BHYT và sử dụng quỹ, cũng như giải quyết các vướng mắc về tổ chức thực hiện chính sách, thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT, trong đó có không ít vi phạm về kê đơn thuốc tại các BV.

Bà Hương nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới mà Bộ Y tế sẽ triển khai là đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra việc thực hiện BHYT, tập trung thực hiện quy chế chuyên môn chống lạm dụng quỹ BHYT. Đặc biệt, cơ quan BHXH tiếp tục nghiên cứu đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giám định BHYT. Cụ thể, sẽ tăng cường giám định hồ sơ theo tỷ lệ xác suất để kiểm soát việc lạm dụng thuốc, dịch vụ y tế để nhằm hạn chế bất cập trong vấn đề kê đơn, sử dụng thuốc. 

Tại BV Bạch Mai, lãnh đạo BV đã có văn bản gửi tới các khoa, phòng, nêu rõ nếu bác sĩ nào kê đơn thuốc bất hợp lý bị BHXH Việt Nam xuất toán sẽ phải bồi thường. TS. Nguyễn Quốc Anh cho biết, trưởng, phó các khoa sẽ phải chịu trách nhiệm về kiểm thảo kê đơn thuốc của các bác sĩ trong khoa mình. BV cũng có ban kiểm thảo kê đơn thuốc do một phó giám đốc BV phụ trách thường xuyên tiến hành kiểm thảo định kỳ hoặc đột xuất các hồ sơ bệnh án, đơn thuốc, phối hợp với đội ngũ giám định BHYT của BHXH phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm. Mặt khác, BV cũng đưa ra các phác đồ điều trị chuẩn để y bác sĩ tuân theo, hạn chế tình trạng lạm dụng trong kê đơn thuốc và điều trị.